HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
1. Bài thơ Mới ra tù, tập leo núi tuy thường được in trong Nhật kí trong tù nhưng lại không thuộc tập thơ này mà có hoàn cảnh sáng tác đặc biệt.
Sau những năm tháng đọa đày trong nhà lao Tưởng Giới Thạch, cuối cùng Hồ Chí Minh cũng ra tù. Bầu trời tự do lồng lộng, con đường cách mạng phía trước vẫn đầy chông gai. Vậy mà “chân yếu, mắt mờ, tóc bạc”. Hồ Chí Minh quyết tâm tập leo núi để rèn luyện đôi chân cho thêm vững. Người quyết dù phải bò, phải lết, mỗi ngày cũng phải đi được mười bước mới thôi. Lần đầu tiên lên được đến đỉnh núi, giữa đất trời mênh mông, Hồ Chí Minh đã viết nên bài thơ này:
Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân,
Giang tâm như kính tịnh vô trần,
Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh,
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.
Bản dịch của Viện Văn học:
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ;
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh,
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa
Và chính Bác tự dịch:
Mây ôm núi, núi ôm mây
Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng
Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong
Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai
Theo hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tập Nhân dân ta rất anh hùng (1960) thì từ khi Hồ Chí Minh đi Trung Quốc bị bắt và nhất là có tin đồn Người đã mất khiến cho đồng chí, đồng bào lo lắng, bồn chồn. Bỗng một hôm mọi người vui mừng nhận được tờ báo từ Trung Quốc gửi về, bên lề có ghi mấy chữ “Chúc chư huynh ở nhà mạnh khỏe và cố gắng công tác, ở bên này bình yên” và kèm theo bài thơ này không có đầu đề. Xem xong bài thơ, thấy đúng nét chữ của Bác, mọi người khôn xiết mừng vui. “Tin Bác bình yên trở về với chúng tôi như những tia nắng rực rỡ vừa xuất hiện ở chân trời, báo hiệu một ngày mai tươi sáng đang đến”. Bài thơ do vậy không chỉ là nỗi niềm của Bác, mà còn là một “lời nhắn” của Người với đồng chí, đồng bào trong nước. Sau này, khi những người biên soạn dịch và in vào sách thì Bác mới đặt tên cho bài thơ.
2.1. Đọc bài thơ nếu không biết hoàn cảnh sáng tác, người đọc tưởng như đón nhận một tứ thơ quen thuộc của thi ca cổ điển: Lên núi nhớ bạn.
Ngay ở hai câu đầu người đọc nhận ra chỉ với vài nét chấm phá, Hồ Chí Minh đã miêu tả được cái cảnh “sơn thủy hữu tình” của thơ xưa.
Câu đầu miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ của thiên nhiên: Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân (Núi ấp ôm mây, mây ấp núi). Núi đi với mây thì thường là núi cao. Đã vậy những áng mây trời như đang nâng dãy núi lên (Vân ủng trùng Sơn), còn dãy núi cũng như đang nâng mây lên (sơn ủng vân). Mây núi vốn đã cao dường như càng cao hơn. Cảnh vật vốn đã hùng vĩ lại càng hùng vĩ hơn.
Mặt khác, hình ảnh mây và núi cũng gợi lên vẻ đẹp đầm ấm và sinh động của thiên nhiên. Hình ảnh mây ôm dãy núi, dãy núi ôm mây như mở ra một khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, lại như gợi được sự quấn quít của cảnh vật. Người đọc có cảm tưởng như những đám mây đang nâng (ủng) dãy núi lên, còn dãy núi bao bọc, che chở cho mây. Điệp từ “ủng” (ôm) được nhắc lại miêu tả được cái thế trùng điệp của mây núi, lại vừa có ý nghĩa nhân hóa, làm cho sự giao hòa giữa núi và mây sinh động hơn, đầm ấm hơn.
Bên khung cảnh hùng vĩ đó là hình ảnh mềm mại của dòng sông
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
Lòng sông được miêu tả trong sáng như một tấm gương, không chút bụi trần, soi tỏ cả trời mây non nước. Dòng sông ấy cũng là tấm gương phản chiếu một tâm hồn, một khí phách sáng trong mà không gì có thể làm cho hoen ố được. Như vậy, câu thơ không chỉ miêu tả cái sáng trong của dòng sông mà còn ngụ vào đấy cái sáng trong của một tấm lòng.
2.2. Giữa khung cảnh hùng vĩ và nên thơ của bức tranh thiên nhiên, hiện ra hình ảnh một con người đang ung dung cất bước:
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.
Câu thơ phảng phất không khí của tứ thơ xưa: “một mình cất bước” giữa trời mây non nước nên thơ và hữu tình như thế, nên lòng “bồi hồi” mà “nhớ bạn xưa”. Câu thơ dịch dù đã rất hay song vẫn để mất đi chữ “độc” trong “độc bộ” (một mình cất bước), nghĩa là cũng để mất đi một phần tâm trạng nhớ thương đến bồi hồi trong bước chân “độc bộ” kia. Mặt khác, câu thơ “Dao vọng Nam thiên ức cố nhân” có nghĩa là “Trông về phía trời Nam xa xăm nhớ bạn cũ” mà dịch là “Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa” thì mất đi khoảng cách xa xăm của không gian, nghĩa là mất đi phần thiết tha vời vợi của nỗi nhớ.
Cái hay của bài thơ còn chính là cái man mác không khí của Đường thi. Đó là cái man mác của những câu, những chữ, những ý tưởng, những hình ảnh đã quen thuộc trong thơ xưa như sơn, thủy, ức cố nhân, độc bộ, dao vọng, Nam Thiên... Trong không khí cổ kính ấy, nhà thơ đã kín đáo gởi vào đấy nỗi “nhớ bạn” phía trời Nam xa xôi. “Bạn” ở đây không phải là người bạn cụ thể nào đó mà là đồng bào, đồng chí là quê hương Đất Nước. Một ý tưởng hiện đại được lồng vào một tứ thơ cổ điển làm cho bài thơ có một vẻ đẹp thật đặc sắc.