BÀI LÀM

Khi chưa đọc Đây mùa thu tới, tâm trí tôi cứ vẩn lên, cảm nghĩ rằng mùa thu chỉ thích hợp với những hồn thơ cổ điển, với những vần thơ lắng đọng. Còn Xuân Diệu, nhà thơ của mùa xuân, với sự phát triển cảm giác trực tiếp (Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi) thì không. Hoặc nếu thi sĩ có viết về mùa thu thì đấy cũng chỉ là hòa điệu với cung đàn xưa.

Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm

Hây hây thục nữ mắt như huyền

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu

Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.

(Thu)

Bập vào thế giới của thi phẩm, định kiến đó loãng tan, trả lại sự quang đãng của tâm trí, sự quang đãng của nghệ thuật. Thực ra cũng như Thu (thêu gấm, hoa cúc, áo trạng nguyên...) Đây mùa thu tới cũng vẫn sử dụng những vật liệu cổ truyền của dòng thơ ca cổ điển. Vẫn những liễu, lệ, lá vàng, hoa, sương gió, mây chìm... đã xây dựng nên thơ Đoàn Thị Điểm. Bà Huyện Thanh Quan, Đường thi... Nhưng ở đây, ở Đây mùa thu tới, tư liệu cũ đó đã được hoán cải trong một chùm quan hệ mới. Không phải là “xi măng, sắt thép” để tạo nên khung chịu lực của ngôi nhà thơ hiện đại, chúng tồn tại trong tòa kiến trúc như những kỉ niệm, một thứ “trí nhớ thể loại” theo cách nói của M.Ba-kho-tin, chiếc dây nối cánh diều thơ với mạch nguồn dân tộc.

Quan hệ mới xuất hiện trước hết bởi sự đan cài bài thơ những từ ngữ mới, thậm chí dịch trực tiếp từ tiếng Tây sang, trong khi tiếng Việt không thiếu đồng nghĩa: hơn một = nhiều (hơn một loài hoa đã rụng cành); ít nhiều = một vài (ít nhiều thiếu nữ buồn không nói). Sau đó là những cách nói mới mẻ, lạ lẫm như hoa rụng cành, những luồng run rẩy (luồng gió), sự nhạt sương mờ, đôi nhánh khô gầy (nhành cây). Người Việt xưa nay chỉ quen với gió lùa, gió luồn vào một cái gì đó. Còn Xuân Diệu, nhà thi sĩ cách tân, thì lại nghe được rét mướt luồn trong gió. Luồn vào một thứ chuyến đi luôn, chẳng những nghe ngộ nghĩnh, tân kì, mà chộp đúng được cái thần thái lén lút của mùa đông đang xâm nhập trái phép vào lãnh địa của mùa thu. Những sáng tạo mới này, tuy thoạt đầu có làm cho thơ Xuân Diệu bị coi là một loại “ông Tây An Nam”, nhưng đã giác quan hóa, cụ thể hóa được những chuyển đổi vô hình của thời tiết, tạo vật lúc thu sang và quan trọng hơn, bộc lộ một cái nhìn nghệ thuật mới của Xuân Diệu con người và nhà thơ.

Thơ cổ điển, mà tiêu biểu là ba bài Thu vịnh, Thu điếu và Thu ẩm của Nguyễn Khuyến, nói về mùa thu như một khoảnh lặng giao thời giữa hạ và đông. Lúc này, sau những vật vã của nóng đã qua và lạnh sắp tới, tạo vật dường như thiếp đi trong sự ngưng nghỉ. Thơ Yên Đổ, bởi thế, tràn ngập không gian với một bầu trời xanh đầy ám ảnh (Thu vịnh - Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao; Thu điếu - Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt...). Thơ Xuân Diệu ngược lại, tràn ngập những vận động chuyển mùa. Những vận động ở hình thái quá độ thường mang dáng vẻ im lìm đã được “con mắt thời gian" của nhà thơ phát hiện.

Đây mùa thu tới – mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

Tạo vật mùa thu tất cả đang nằm ở trạng thái phai và rụng. Sự hao gày bắt đầu từ màu sắc đến hình thể: rặng liễu đìu hiu đứng buông tóc buồn như hàng lệ nhỏ. Màu xanh bị lấn dần (rũa) bởi sắc đỏ héo úa, cành cây hè mập mạp nay trơ xương mỏng manh, dáng núi xa mới ngày nào còn như chạm khắc lên trời giờ đã nhòe sương nhạt khói... Rồi sau đó là sự rơi rụng, chia lìa: hoa rụng cành, chim bay đi, trời hận chia li, người đã vắng trên những chuyến đò ngang.

Thế ổn định mỏng manh của mùa thu - một chiếc cầu thanh mảnh như tơ nhện chẳng giữa hai bờ dằn dữ – được Xuân Diệu gợi lên bằng đội nhánh khô gầy, còn sự chông chênh của nó được nhà thơ biểu đạt bằng bốn phụ âm rung "r” liên tiếp nhau trong một câu thơ bảy chữ:

Những luồng run rẩy rung rinh lá .

Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh

Mùa thu, tóm lại là mảnh đất bị xâm lược từ cả hai phía. Mùa hè chưa “cắt cầu” (đang còn màu xanh, đang còn “Đây mùa thu tới”...) thì khuôn mặt mùa đông đã thấp thoáng phía xa:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò.

Sự ngắt nhịp 4-3 ở câu sau đã tạo ra một im lặng chứa đầy âm thanh tiếng ngân (dư thanh) của mùa thu và những tiếng gọi bên trong của con người. Đó cũng chính là sự im lặng hàm súc mà Ma-lac-mê (Mallarmé) đã nói: “Sáng tạo sự im lặng hàm súc trong một bài thơ cũng hay như cấu tạo một câu thơ".

Đó là tiếng gọi của thời gian, hối hả và thôi thúc bằng một điệp khúc: Đây mùa thu tới - mùa thu tới. Thời gian là dấu hiệu của tàn phai và rơi rụng. Thời gian là sự tuôn chảy “một đi không trở lại” chính ý thức về thời gian một chiều chứ không phải tuần hoàn, thời gian định lượng không phải định tính, đã tạo nên cái nhìn nghệ thuật của Xuân Diệu trong toàn bộ sáng tác của anh mà Đây mùa thu tới là một trường hợp cụ thể.

Nếu mùa xuân là bình minh của tuổi trẻ, thì mùa thu được Xuân Diệu coi như là bình minh của tuổi già (Trường ca). Mà bình minh thì bao giờ cũng là thời khắc của ngắn ngủi, nhất là bình minh thu. Bởi vì, sau đó không phải là trưa nắng, mà là chiều lạnh. Bởi vậy, ý thức về thời gian trong mùa thu càng trở nên sâu sắc. Chính ý thức đó đã tạo ra, một cách vô ý thức, “nỗi buồn vô cớ” – “căn bệnh thời đại” của tầng lớp thanh niên thị dân lúc bấy giờ. Với người thiếu nữ Đây mùa thu tới thì đó là buồn không nói, còn với Xuân Diệu ở một bài thơ khác thì là:

Hôm nay trời nhẹ lên cao.

Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.

(Chiều)

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh người thiếu nữ (chứ không phải người thiếu phụ trong thơ cổ điển) tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì. Nàng có thể nghĩ ngợi? Như ở Lê-ô-na-dơ Vanh-xi, bức chân dung đã hoàn thành, nhưng nụ cười bí hiểm của La Giô-công-dơ thì như còn thách đố với người xem, mặc cho mỗi người lí giải theo cách hiểu của riêng mình. Nhìn xa, có thể là nhìn ra xa, nhìn mông lung, nhìn mà không thấy gì cả (cái nhìn vào nội tâm), cũng có thể là nhìn xa trông rộng với nghĩa là thấy trước, biết trước, lường trước tất cả. Và bên tai là tiếng gọi hối hả của thời gian Đây mùa thu tới. Người thiếu nữ, bình minh của mùa xuân, còn có thể nghĩ gì ngoài tình yêu...