DÀN Ý
Các ý chính:
1. Tống biệt hành được Thâm Tâm viết theo thể “hành”, một thể thơ cổ. Không có những quy định chặt chẽ về số câu, số chữ, vần điệu, nhờ đó bài thơ thể hiện cảm xúc được dễ dàng hơn.
2. Bốn câu đầu của bài thơ thể hiện cảnh biệt li của hai người bạn qua hồi tưởng của người ở lại.
- Hai câu đầu như một nghịch lí: Không đưa người qua sông mà trong lòng có tiếng sóng? Một dòng sông tưởng tượng, “tiếng sóng” trong lòng là nỗi niềm chia li trào dâng trong mỗi người kẻ ở người đi. Dòng sông tượng trưng cho li biệt. Câu đầu toàn thanh bằng. Câu thứ hai có bốn thanh trắc liên tiếp và từ “sao” nghi vấn tạo sự day dứt trong tâm trạng.
- Hai câu tiếp theo: Lại một nghịch lí nữa. Buổi chiều tiễn đưa không có gì đặc biệt (nắng không gay gắt, rực rỡ mà cũng úa tàn, “không vàng vọt”) mà sao hoàng hôn lại đầy “trong mắt trong”.
- Hàng loạt từ “không” được sử dụng không làm át được cái “có” hiển hiện trong lòng người: Nhớ thương, bồi hồi, xao xuyến, buồn.
3. Đoạn thơ bình giảng ở trên và nói chung cả bài có một giọng điệu riêng: Bâng khuâng, rắn rỏi và quyết liệt. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ, hình ảnh ở đây rất tài hoa, tác giả dùng vần bằng, phụ âm vang tạo nên sự lan tỏa, các câu hỏi tu từ, những điệp từ làm tăng thêm chất nhạc và độ sâu cảm xúc, làm “sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ... Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” (Hoài Thanh).