DÀN Ý

I. Cảm hứng mùa thu vốn quen thuộc trong thơ Việt Nam. Xuân Diệu có cách cảm nhận mới của thế hệ mình.

II. Bình giảng đoạn thơ.

1. Mùa thu được nhận ra từ vẻ buồn của rặng liễu. Trong thơ cổ Việt Nam đã có cây liễu nhưng chưa bao giờ mang nỗi buồn như thế.

2. Vẻ buồn được nhà thơ đẩy lên đến tận cùng.

3. Xuân Diệu hào hứng thấy rằng tự mình đã nhận ra mùa thu, biết đâu là chỗ bắt đầu của mùa thu.

4. Từ chỗ bắt đầu, nhà thơ hình dung ra trọn vẹn mùa thu: đẹp và buồn, lấp lánh, rực rỡ trong sự tàn phai, đẹp để tàn phai.

III. Cảnh thu vẫn với những nét truyền thống sông bên trong chứa nỗi buồn và tình cảm rạo rực của thời đại “Thơ mới”.

BÀI LÀM

Cứ mỗi lần mùa thu tuyệt vời trở về trong trời đất, người ta lại một lần bâng khuâng tự hỏi: Mùa thu bắt đầu từ lúc nào nhỉ? Với các nhà thơ cổ điển, theo cách cảm nhận của văn học cổ, mùa thu, ấy là lúc:

Giếng làng đã rụng một vài lá khô

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Với nhà thơ làng cảnh Việt Nam, Nguyễn Khuyến, mùa thu chính là:

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.

Nhưng đối với Xuân Diệu, nhà thơ được xem là mới nhất trong phong trào Thơ mới, trong lần đầu tiên gặp mùa thu ở Hà Nội, đây mới thực là mùa thu:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới - mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Như vậy, điều báo hiệu đầu tiên của mùa thu chính là vẻ buồn của nó, một vẻ buồn đến độ thê lương:

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang.

Trong thơ cổ Việt Nam và Trung Quốc, đã từng có hình ảnh cây liễu như một tượng trưng đẹp đẽ cho sự mềm mại, dịu dàng, cho dáng vẻ trẻ trung của người phụ nữ. Nhưng chưa bao giờ cây liễu lại được cảm nhận với một vẻ buồn đến như thế. Cây liễu trong câu thơ Xuân Diệu gợi lên hình ảnh người phụ nữ đang trong nỗi buồn tang tóc. Cả một rặng liễu đìu hiu, hình ảnh tang tóc ấy gây một ấn tượng ghê gớm về nỗi buồn. Đúng là chỉ trong “thơ mới”, đặc biệt là trong thơ Xuân Diệu, thiên nhiên mới được cảm nhận với một cảm giác mãnh liệt đến như thế. Rặng liễu ở đây là rặng liễu quanh Hồ Gươm hay ven Hồ Tây ở Hà Nội, với những cành liễu thướt tha rũ xuống mặt hồ. Như cảm thấy hình ảnh đứng chịu tang ấy chưa đủ để nói lên nỗi buồn mùa thu, Xuân Diệu còn khai thác sâu thêm. Nếu hình ảnh cây liễu là hình ảnh con người đứng chịu tang, thì hình ảnh cành liễu, lá liễu, chính là:

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Những cành liễu đã trông giống như muôn ngàn hàng lệ không ngừng tuôn xuống, lại còn giống như những mái tóc dài xõa xuống trong nỗi buồn tang tóc. Xuân Diệu đã đấy cảm nhận của mình đến những cung bậc buồn thương nhất. Tuy nhiên, chính cái buồn ấy mới là cái đẹp của mùa thu, sức hấp dẫn riêng mùa thu. Mùa thu giống những cô gái chỉ thật đẹp khi thật buồn. Cho nên nhà thơ xúc động, có thể nói là thật hạnh phúc. Câu thơ tiếp theo như lời reo vang lên trong lòng:

Đây mùa thu tới – mùa thu tới.

Đúng là mùa thu rồi. Xuân Diệu còn hai lần nhắc “mùa thu tới” như để khẳng định và sung sướng về sự khẳng định điều phát hiện của mình: Trời đất bắt đầu buồn, ấy là trời đất bắt đầu vào thu.

Trong tâm tưởng nhà thơ, mùa thu chợt hiện lên một cách trọn vẹn với tất cả những vẻ đẹp:

Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Đây là vẻ đẹp tiêu biểu nhất của mùa thu, chiếc áo của mùa thu là chiếc áo mơ phai được dệt bởi lá vàng. Ai cũng biết mùa thu là mùa lá trở vàng trên cây. Trời đất mùa thu được nhìn qua những chiếc lá vàng ấy. Đó là chiếc áo thiên nhiên khoác cho mùa thu để cho mùa thu đẹp hơn hẳn các mùa khác. Xuân Diệu gọi chiếc lá ấy là “áo mơ phai”. Sao lại là “áo mơ phai”? Xuân Diệu đã kết hợp hai tiếng “mơ” và “phai”. Mơ là đẹp như mơ, đẹp như chỉ có trong mơ, đẹp và gợi cho người ta mơ mộng. Chiếc áo vàng của mùa thu là chiếc áo mơ nhưng lại là mơ phai. Đó là chiếc áo của sự tàn phai, báo hiệu sự tàn phai vì đó là cái đẹp đang tàn phai, cái lộng lẫy để tàn phai. Mùa thu đẹp, nhưng mùa thu sẽ qua nhanh, để lại cho người ta những nuối tiếc như vẫn nuối tiếc những nhan sắc rực rỡ và mong manh ở đời.

Chỉ với bốn câu thơ, người ta cảm nhận được mùa thu Việt Nam với dáng vẻ và sắc màu thật tinh tế. Trong mùa thu ấy, có nỗi buồn thu tuyệt đẹp. Đây mùa thu tới nói chung, khổ thơ này nói riêng của Xuân Diệu buồn, rất buồn nhưng lại khiến cho người ta yêu đời, yêu những vẻ đẹp của cuộc đời. Trong thơ ca Việt Nam, cho đến trước Xuân Diệu, quả thật chưa có ai viết về mùa thu như thế.