BÀI LÀM

1. Năm 1942, Bác Hồ sang Trung Quốc. Bác bị bọn phản động Quốc dân Đảng bắt. Chúng giải Bác suốt 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, giải tới giải lui khắp 18 nhà lao. Có ngày Bác phải đi trên 50 cây số trong mưa gió:

Năm mươi ba cây số một ngày,

Áo mũ dầm mưa, rách hết giày,

Lại khổ thâu đêm không chỗ ngủ,

Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.

Tuổi già sức yếu, gian khổ đến như vậy là cùng. Nhưng vốn là con người yêu đời nên trên những chặng đường bị giải đi, Bác vẫn làm thơ ghi lại cảm xúc của mình.

Trong Nhật kí trong tù có nhiều bài thơ ghi lại cảm xúc này: Đi đường, Trên đường đi, Đi Nam Ninh, Giữa đường đáp thuyền đi huyện Ung...

Chiều tối là một trong những bài Người làm trên đường bị giải đi.

2. Bài Chiều tối có kết cấu hết sức chặt chẽ. Từ câu một đến câu bốn (khai, thừa, chuyển, hợp), cảm xúc liền mạch.

2.1. Hai câu 1, 2:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Đây là cảnh chiều tối nơi rừng núi. Cảnh được vẽ lên bằng vài nét chấm phá: chim bay về rừng, “chòm mây trôi nhẹ” giữa bầu trời.

Thực khó lòng nghĩ rằng hình ảnh êm đềm này lại là cảm xúc của một người tù đã bị giải đi suốt ngày. Phải có tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống thì mới có cảm xúc đẹp như vậy. Hiện lên qua hai câu thơ trữ tình là tâm hồn của một thi sĩ giàu cảm xúc, cảm nhận thiên nhiên thật tinh tế.

2.2. Câu 3:

Cô em xóm núi xay ngô tối

Sau khi tả cảnh chiều nơi xóm núi: Chim bay về núi ngủ, mây trôi nhẹ trên trời, tác giả tả cảnh cô gái xay ngô vào buổi tối. Trong nguyên tác không có chữ tối, chỉ có “xay ngô” (ma bao túc). Như vậy thêm chữ “tối” vào kể cũng không sai, có điều đặt chữ “tối” vào đây thì ý lộ rõ quá, nó làm giảm cái hay của câu bốn. Câu ba gắn chặt với câu bốn, nói lên hoạt động liên tục của cô gái xay ngô: “ma bao túc”, “bao túc ma hoàn”. Thời gian trôi dần theo cối ngô.

2.3. Câu 4:

Xay hết lò than đã rực hồng

Khi hết cối ngô thì “lò than đã rực hồng”, trời đã tối, nhìn vào màn đêm thấy lò than đỏ rực lên. Trong nguyên tác, nhịp câu bốn là 4- 3 (bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng)

Trong bản dịch thơ thì nhịp 2 - 5, phải giữ nhịp thơ 3 - 4 như trong nguyên tác thì mới thể hiện đúng ý thơ. Nhịp 3 ngắn, thể hiện đúng cái tối đến nhanh, thu dần cuộc sống lại bên lò than, cái ấm tụ lại, tỏa ra chữ “hồng”.

Còn ngắt nhịp 2 - 5 thì không thể hiện được ý trên, nó làm giảm đi niềm vui của Bác khi thấy cảnh sống của những người nghèo. Họ vất vả thật, nhưng cuộc sống thanh thản, bình yên. Câu 4 nói lên đầy đủ cảm xúc của Bác: niềm vui sau một chặng đường dài gian khổ khi thấy cảnh sống của người lao động, lòng Bác ấm lại.

3. Trong các bài thơ, nhất là các bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Bác, mạch thơ kín, ý chuyển dần đến câu bốn thì đọng lại. Đặc sắc về nghệ thuật và nội dung rõ nhất ở câu 4 (hợp).

Bài Chiều tối cũng như nhiều bài khác của Bác, ý thơ chuyển rất linh hoạt.

Bàn về bài thơ này, Hoàng Trung Thông có viết:

... Câu đầu nói về con chim đi xa mỏi mệt, về chiều tìm chốn đậu. Làn mây giữa tầng không, làn mây che mặt trời cũng uể oải mệt mỏi như thế, cũng muốn tìm chỗ trú chân. Còn cô em trong xóm núi thì đang xay ngô, một công việc thủ công rất là nặng nhọc, và cô em cứ xay hoài cho đến khi hết cũng vừa lúc đó lò than đã đỏ (báo hiệu bữa cơm chiều). Tất cả ba câu thơ trên đều miêu tả sự mệt mỏi, vội vã, nặng nề. Giá như chỉ dừng lại ở đó thì nhà thơ Hồ Chí Minh của chúng ta cũng không khác gì nhà thơ Liễu Tống Nguyên đời Đường với bài thơ Giang tuyết... Nhưng Hồ Chí Minh rất Đường mà lại không đường một tí nào.

Với một chữ hồng, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn tả trong ba câu đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xây xong ngô tối. Chữ hồng trong nghệ thuật thơ Đường người ta gọi là “Con mắt của thơ” (thi nhãn) hoặc là “nhãn tự” (chữ mắt), nó sáng lên, nó cân lại, chỉ một chữ thôi, với hai mươi bảy chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa.

Với chữ hồng đó, có ai còn cảm giác nặng nề mệt mỏi nhọc nhằn nữa đâu, mà chỉ thấy màu đỏ, đã nhuốm lên cả bóng đêm, cả thân hình, cả lao động của cô gái đáng yêu kia. Đó là màu đỏ của tình cảm Bác.