BÀI LÀM

“Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số những nhà thông thái nghiên cứu” Lời nhận xét của ông Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam quả là chính xác và tinh tế. Một bài thơ như bài Tương tư cũng đủ để chứng minh cho cái chất ca dao, chất dân quê trong thơ Nguyễn Bính. Nỗi nhớ trong bài thơ là nỗi nhớ của một mối tình quê, được diễn tả bằng những cách thức và những lời nói của dân quê, của ca dao.

Khác với người thị dân, người dân quê, trong tình yêu, không phải bao giờ cũng dễ dàng có dịp để có thể trực tiếp bày tỏ tình cảm của mình với người mình thương yêu. Gặp nhau đã khó, mà gặp nhau rồi đâu phải đã tỏ bày được. Còn sợ người làng, thiên hạ, và sợ ngay cả cái người mình muốn tỏ bày. Bởi vậy không phải chỉ gần nhau rồi xa cách mới tương tư hay yêu mà không được yêu lại mới tương tự, đến yêu nhau mà không nói được với nhau cũng đủ để tạo thành tương tư.

Người con trai trong thơ Nguyễn Bính sống cùng làng nhưng khác thôn với cô gái mà anh ta yêu. Bài thơ mở đầu bằng một câu thơ khá lạ:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Làm gì có chuyện cả một thôn này tương tự cả một thôn kia? Anh chàng này chỉ nói vơ vào thôi. Nhưng nói thế là cần thiết, để khỏi đường đột, để tạo cái cớ bày tỏ thôi. Trước sau rồi anh chàng cũng tự lộ mình.Trong cái tập thể thôn Đoài thôn Đông ấy, anh con trai bắt đầu tách bạch ra:

Một người chín nhớ mười mong một người.

Thì ra chỉ có một người nhớ và một người được nhớ thôi, chứ không phải tất cả mọi người đâu. Cái khổ lại chính ở chỗ đó chứ! Cho nên nó lớn lắm và không thể không nói ra:

Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Yêu nàng không phải là một ý muốn chủ quan nào của tôi, không phải là một tình cảm tự tôi muốn có, bởi tự tôi đâu có muốn cho mình khổ thế, tự tôi đâu có muốn mang căn bệnh tương tư ấy vào người. Căn bệnh vốn tự nhiên mà có, tình yêu ấy vốn tự nhiên mà đến, cũng như trời đâu có muốn gió mưa làm gì, chẳng qua đó là một thứ bệnh không tránh được thì đến trời cũng phải chịu. Anh ta bày giải tình yêu của mình mới khéo làm sao!

Anh ta đã không là nguyên nhân của tình yêu, không có lỗi gì trong nỗi khổ của mình, tất nhiên anh ta có quyền tìm ra nguyên nhân, tìm ra người có lỗi để trách móc chứ. Thì rõ ràng sờ sờ ra đấy thôi:

Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?

Người có lỗi: nàng. Lỗi đáng trách: chẳng sang bên này. Mà thời gian chờ đợi thì lâu quá, lâu đến nỗi lá xanh đã đổi thành cây lá vàng. Anh con trai đưa ra lí do duy nhất để bào chữa cho việc “không sang” ấy: cách trở đò giang. Nhưng lí do ấy bị bác bỏ ngay vì giữa hai người không có con sông nào. Ta bỗng nhớ đến một câu ca dao cổ:

Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền,

Muốn về bên ấy nhưng duyên lỡ rồi.

Ở đây có lí do khách quan và lí do chủ quan. Đôi tình nhân trong một bài thơ cổ nổi tiếng của Trung Quốc xa cách nhau, người ở đầu sông Tương, người ở cuối sông Tương, cách trở thác ghềnh lắm, cho nên đành:

Tương tố bất tương kiến,

Đồng ẩm Tương giang thủy

(Nhớ nhau chẳng thấy nhau

Cùng uống nước sông Tương).

Người con gái trong thơ Nguyễn Bính thì chẳng có sông dài núi cao nào ngăn trở. Mà dẫu có đi nữa thì đã sao, bởi vì:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo

Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua.

Vậy thì chỉ có một lí do: tấm lòng. Tấm lòng của nàng đã không có được cái bệnh đồng tương tư vốn là căn bệnh “của tôi yêu nàng”. Lời trách móc vừa nhẹ lại vừa nặng, vừa tha thiết chân thành vừa ai oán làm sao! Những từ ngữ “bảo rằng” với “đã đành”, rồi “nhưng đây”, “có xa xôi mấy”, cứ như lời lẽ tự nhiên của một anh trai quê, nói với người khác, lại như tự lí sự với mình, sao mà chất phác, tội nghiệp, chân tình thế! Hắn Trương Chi sau lúc gặp Mị Nương trở về cũng đau đớn đến thế thôi!

Nhưng trách người thì có được gì đâu? Chẳng qua là buồn quá, đau khổ quá thì trách vậy thôi. Trách để mà trách. Cuối cùng vẫn chỉ có mình với mình, mình với nỗi nhớ một chiều của mình, mình với khối tương tư không người chia sẻ của mình.

Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?

Thương nhớ đẻ ra hi vọng:

Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

Trong hi vọng đã thấy mong manh. Cùng với hai hình ảnh ẩn dụ “bến” và “đò” có tính truyền thống của ca dao, Nguyễn Bính đưa thêm cặp hình ảnh “hoa khuê các” với “bướm giang hồ” có sức gợi cảm và có sắc thái ý nghĩa khác hơn. Cô là “hoa khuê các”, là con nhà gia giáo, nề nếp, giàu sang; còn tôi chỉ là “bướm giang hồ”, là kẻ phiêu bạt, lang thang, nghèo khó, thật không sánh được với cô. Thế mà tôi vẫn hi vọng, vẫn mong chờ. Có thật thế chăng, hay chỉ bởi buồn quá mà phải dằn dỗi rồi nói ra như vậy? Dẫu sao thì tình yêu của anh con trai cũng chưa được đáp lại (hay không được đáp lại?).

Đoạn kết của bài thơ thật xót xa, mà cũng thật đẹp:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Người dân quê nghĩ tới tình yêu là phải nghĩ đến trầu cau. Từ thời các vua Hùng đã thế mà! Trầu cau để bắt đầu tình yêu đã đẹp, mà trầu cau để kết thúc nó bằng cuộc sống gia đình, bằng một đám cưới thì còn đẹp hơn. Có trầu thì phải có cau. Mà trầu cau thì hai ta đã sẵn, lại nhiều nữa, cả một “giàn giầu” với cả một “hàng cau liên phòng”. Nghĩ đến chuyện đó sao mà đẹp thế, âu yếm thế, dịu ngọt thế! Cho nên, nghĩ đến nàng, anh con trai không gọi “nàng” một cách trang trọng như khi nói “tôi yêu nàng” hay nghĩ đến “hoa khuê các” phần nào hờn dỗi mà chỉ là “em” với “anh” một cách giản dị và thân mật.

Nhưng giữa cái hình ảnh kết hợp ẩn ý ấy, ý nghĩa chia biệt vẫn là một thực tế đắng cay cứ bật lên:

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Câu trên láy lại câu thơ đầu tiên:

Thôn Đoài ngôi nhớ thôn Đông

Láy lại nhưng có sự thay đổi: tác giả thay chữ “ngồi” bằng chữ “thì” - thôn Đoài thì nhớ... chuyện ấy trở thành một thực tế, một điều tự nhiên, dĩ nhiên, chuyện không phải bàn nữa. Nhưng “cau thôn Đoài” có quyền được nhớ giàn giầu thôn Đông hay không? Chuyện hai người rồi có đi đến một đoạn kết vui vẻ nào được không? Câu hỏi đặt ra không được trả lời. Nghĩa là chờ đợi, là hi vọng, là tin tưởng, chờ mà không dám chờ, tin mà không dám tin... Câu hỏi như một cung đàn buồn cứ vang lên giữa không trung...

Kín đáo mà rõ ràng, nói xa mà lại rất gần, tưởng chừng mơ hồ mà lại cụ thể, đó là một đặc điểm trong cách diễn đạt của ca dao, cũng là một đặc điểm trong thơ Nguyễn Bính. Mối tình sôi nổi thiết tha mà vẫn chừng mực, kín đáo, buồn đau mà vẫn trong sáng, tuyệt vọng mà vẫn bay bổng lành mạnh, đó chính là tình yêu trong bài Tương tư này.

Nói không quá lời, nếu không biết cụ thể đây là một bài của Nguyễn Bính, ta có thể xếp Tương tư vào trong số những bài hay nhất của ca dao nói về tình yêu. Giữa phong trào Thơ mới rộn ràng, Nguyễn Bính giữ riêng cho mình một lối thơ, không Tàu mà cũng không Tây, hồn hậu dân tộc, mộc mạc quê hương, đó là tất cả cái đặc sắc của thơ Nguyễn Bính.