BÀI LÀM

Một ngày đẹp trời cuối mùa hè năm 1938, trời cao xanh, nắng vàng tươi rực rỡ chảy tràn trên xứ Huế, mảnh đất cố đổ xưa. Trong một khu vườn xum xuê cây lá, nghe rõ tiếng xào xạc của gió và âm thanh ríu rít của bầy chim nhỏ trên ngọn cây cao, có ba người ngồi xúm lại với nhau trên bãi cỏ, dường như họ đang bàn bạc với nhau chuyện gì rất hệ trọng. Hai người tầm thước, gương mặt cương nghị, rắn rỏi thay nhau giảng bài, lời lẽ mạch lạc, lôi cuốn (sau này Tố Hữu viết: Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi - Dìu dắt con khi chửa biết gì. Anh Lưu anh Diểu là Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu, hai người cộng sản trung kiên, những người đầu tiên đã giác ngộ cách mạng cho Tố Hữu). Ngồi nghe chăm chú như nuốt lấy từng lời, là một chàng trai dáng vẻ thư sinh, đôi mắt sáng ngời. Tâm hồn chàng bây giờ như vườn cây kia rực rỡ ánh nắng, ríu rít tiếng chim, xanh tươi cây lá, ngào ngạt hương thơm, bởi lần đầu tiên chàng biết đến một lí tưởng, một lẽ sống đẹp đến thế. Trái tim chàng dạt dào rung động với những tình cảm mới. Chàng thấy mình đã trở thành một người thân thiết trong thế giới của những người khốn khổ mà hằng ngày chàng vẫn thường gặp. Chàng và họ sống trong tình thân ái chan hòa, cùng sát cánh bên nhau phấn đấu vì một ngày mai sáng tươi. Cái giây phút kì diệu ấy chàng sẽ mãi mãi ghi nhớ trong suốt cuộc đời.