BÀI LÀM

Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

Một nền đồng tước khóa xuân hai kiều

Câu thơ ấy, Nguyễn Du đã dịch sát câu thơ Đường của Đỗ Mục:

Đổng tước xuân thâm tỏa nhị kiều

Trong truyện ngắn Tỏa nhị hiếu của Xuân Diệu, hai kiều không phải là Đại Kiều, Tiểu Kiều thời Tam quốc, hay Thúy Vân, Thúy Kiều “năm Gia Tĩnh triều Minh”, mà là một đôi chị em của một gia đình người Việt Nam sống vào những năm ba mươi của thế kỉ XX hiện đại.

Trong truyện ngắn của mình. Xuân Diệu đặt tên cho “nhị kiều” bằng tên của hai loài ngọc đẹp: cô Quỳnh và cô Giao. Nhưng hai cô có gì đặc biệt khiến cho một nhà thơ phải đưa làm nhân vật chính của một truyện ngắn?

Trước hết là cái hoàn cảnh mà hai cô đang sống. Xuân Diệu cho biết đó là một gia đình không phải là giàu, tuy trong nhà có đủ cả “sập gụ, tủ chè, câu đối, hoành phi”, có cả “bộ bàn ghế Vân Nam chạm chim trái và nạm cẩm thạch”. Không giàu nhưng lại không nghèo, cái đáng buồn chính là ở chỗ đó. Sự lấp lửng của hoàn cảnh cũng sẽ tạo nên sự lấp lửng của tính cách và số phận. Ôi, nếu không giàu thì cứ nghèo quách đi, người ta sống theo cách sống của người nghèo, với những lo toan và tranh đấu của người nghèo, chứ sống như thế này, chẳng ra môn cũng chẳng khoai, thì quả là khó sống thật. Nhà văn có ý muốn nói với người đọc như thế. Với cách bày biện tủ bàn như thế, cái gia đình này lại muốn chứng tỏ rằng ta đây cũng vào loại khá giả. Thế mới càng khó chịu hơn, bởi điều này thể hiện một thứ tâm lí khó chịu: tâm lí trưởng giả. Cứ nhìn vào dáng vẻ của ông chủ nhà (tức người cha của hai cô gái) thì biết. Nhà văn viết: “...mắt ông tròn như hai chấm mực, miệng ông hơi quạu, đôi môi giơ tới trước như kình với ai. Ông thường ngồi tréo chân trên sập giữa nhà... Một lần ông đã cự tôi vì tôi gấp rút vào gác trong không kịp xin phép ông”. Đó là một con người tự cảm thấy mình là người quan trọng, hay ít nhất, muốn làm cho người khác cảm thấy mình là người quan trọng, một cách tự tôn để chạy trốn khỏi mặc cảm tự ti trong chính lòng mình. Xuân Diệu đã nghĩ rất đúng: “Và từ đó tôi càng thương ông lắm”. Thương ông là phải, bởi ông ta thật đáng thương, thật tội nghiệp trước một cuộc đời không có gì để cảm thấy mình có ý nghĩa, không có gì để vươn tới ngoài việc xét nét người ta những chuyện cỏn con.

Sinh ra và sống giữa một cuộc sống như vậy, hai cô kiều của Xuân Diệu thật là hai con người tội nghiệp. Giá như hai cô đừng mang tên hai loài ngọc đẹp nổi tiếng, tượng trưng cho cái đẹp, như Nguyễn Du từng viết:

Một vùng như thể cây quỳnh cành giao

Tên Quỳnh với tên Giao, hai cái tên buộc người ta phải tưởng tượng ra những cô gái đẹp, hai chị em nhà này lại không đẹp. Cô em thì “hơi xinh. Mặt cô tròn”. Cô chị thì giống cha cô, “mà cha cô thì chẳng khôi ngô chút nào”. Nhan sắc thì thế, tính cách hai cô lại giống hệt như nhan sắc của họ. Nói tính cách, thật ra tính cách nổi bật nhất của hai cô là ở chỗ chẳng có tính cách gì cả. Điều gì ở họ cũng nhạt nhòa, cũng nửa vời. Không hiền nhưng cũng chẳng dữ, không khôn ngoan sắc sảo nhưng cũng chẳng phải là ngây thơ, họ “ngây ngây thơ thơ, lặng lẽ và ngơ ngác; ấy là hai hột cơm”. Đến màu áo họ mặc cũng chẳng rõ màu gì, chỉ là “rất thanh đạm, vì nhạt nhẽo nên buồn buồn”.

Họ sống để làm gì vậy? Hình như chẳng làm gì cả. Trong ngôi nhà vắng lặng, người cha lặng lờ hết vào lại ra, hai cô cũng hết ra lại vào. Hai cô vui hay buồn? Chẳng vui mà cũng chẳng buồn, hai cô chỉ “buồn buồn ngồi đó”. Trong ngôi nhà của họ không hề có tiếng khóc nhưng cũng chẳng hề có tiếng cười. Như vậy mà gọi là sống ư? Xuân Diệu tự hỏi để rồi so sánh sự sống của họ như sự tồn tại của cỏ cây, họ là hai cái cây. Tự mình so sánh rồi tự mình Xuân Diệu cũng phủ nhận luôn sự so sánh đó: “Họ còn thua hai cái cây bởi cây còn ra hoa ra trái chứ đời con gái của họ biết làm gì? Không sắc, không duyên, và cũng không tiền; chỉ có hiền lành”. Hiền lành là một điều tốt của con người, nhưng ở đời mà “chỉ có hiền lành” làm tài sản duy nhất thì buồn thật!

Sống, theo Xuân Diệu, là phải có cái gì để chờ đợi. Hai cô gái này có gì để mà chờ đợi? Cũng có đấy, nhưng cái điều chờ đợi ấy, sao mà tội nghiệp: “Cô em có một đợi chờ: là chồng”. Thế mà cả cái đợi chờ nhỏ bé tội nghiệp ấy, với cô em thì là “một viễn vọng”, còn với cô chị: “chồng cô đã li dị với cô. Hỡi ôi! Cô Giao còn biết gì để mà trông ngóng?”

Trên đời này, cái đáng sợ nhất cho mỗi đời người không phải là cái nghèo, cái đói hay cái khổ, mà chính là sự nhạt mờ vô vị của cuộc sống. Sống mà không có lấy một cái gì để chờ đợi và hi vọng, để yêu thương và giận hờn, để khổ đau và hạnh phúc, sống như vậy sao có thể gọi là sống? Xuân Diệu viết một câu nghe buồn đến lạnh người: “Tôi thương hai cô như hai con vật ngẩn ngơ trong rừng lạnh, khi chiều giăng lưới qua muôn gốc cây. Buổi chiều của hai cô mờ nhạt và kéo dài, hai cô lẫn trong mù sương”. Thương hai chị em cô Quỳnh cô Giao, Xuân Diệu cũng xót thương bao nhiêu kiếp người ngày đó: hẩm hiu, nhạt nhẽo. Thương cho họ, Xuân Diệu cũng không giấu một lời trách móc: cả đến một nỗi sầu tư hay chán nản gớm ghê, họ cũng không được.

Nhà văn Lỗ Tấn có lần nói về người nông dân ngày trước: Ai kì bất hạnh, nộ kì bất tranh (thương họ phải đau khổ, nhưng giận họ không dám đấu tranh). Tất nhiên Xuân Diệu không thể có được những tư tưởng mạnh mẽ như vậy, nhưng với những lời rất nhẹ, nhẹ như những câu thơ viết về nỗi buồn của Xuân Diệu, Tảa nhị kiều gây cho ta một cảm giác nghèn nghẹn ở nơi ngực. Ta trân trọng những cảm xúc đầy tinh thần nhân văn của nhà thơ và hình như lại cảm thấy rằng Xuân Diệu cũng đã nói hộ mình nhiều điều trong tâm trạng của mình.