BÀI LÀM
... Khán giả được chứng kiến tâm hồn say đắm của Rô-mê-ô trước nhan sắc người đẹp trong không gian thơ mộng ngay sau khi chàng vừa gặp gỡ Giu-li-ét ở buổi dạ hội. Rô-mê-ô có tám lời thoại ở cảnh này, nhưng quan trọng hơn cả là lời thoại đầu tiên cũng là lời thoại dài nhất.
Tuy đây là lời độc thoại, nhân vật nói một mình, chỉ để cho mình nghe, nhưng dưới ngòi bút nghệ thuật của Sếch-xpia, trong độc thoại dường như vẫn có đối thoại, bảo đảm tính sinh động của kịch. Rô-mê-ô thì như nói với Giu-li-ét vừa xuất hiện ở cửa sổ (“Vầng dương đẹp tươi ơi...”), lúc thì như đang đối thoại với chính mình (“Nàng đang nói kìa.”).
Đầu tiên, khi thấy Giu-li-ét xuất hiện, Rô-mê-ô choáng ngợp trước nhan sắc tuyệt vời của nàng. Lúc này đang là đêm khuya, một đêm trăng sáng (dạ hội vừa kết thúc, Rô-mê-ô cùng bạn bè ra về nhưng chàng quay lại ngay, trèo tường vào vườn). Trong khung cảnh ấy, Rô-mê-ô dễ so sánh người đẹp với chị Hằng; nhưng dưới con mắt của chàng, vầng trăng bì sao được với Giu-li-ét; nhà văn đã để cho chàng so sánh người đẹp với mặt trời mọc lúc rạng đông khiến mặt trăng thành héo hon, nhợt nhạt. Lời chỉ dẫn cho biết Giu-li-ét đã xuất hiện trên cửa sổ. Thế nhưng Rô-mê-ô vẫn nói: “Vầng dương đẹp tươi ơi, hãy mọc lên đi...”. Cũng như vào lúc bình minh, vầng thái dương từ từ mọc lên chân trời sau những tia sáng báo hiệu đầu tiên, Giu-li-ét thoáng xuất hiện ở cửa sổ rồi, nhưng nàng sẽ hiện ra rực rỡ hơn.
Từ hình ảnh bao quát của Giu-li-ét, Sếch-xpia để cho mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô tập trung vào đôi mắt đẹp của nàng một cách khéo léo bằng cách chuyển dẫn: “Nàng đang nói kìa, nhưng nàng có nói gì đâu. Đôi mắt nàng lên tiếng”. Anh mắt lấp lánh khiến Rô-mê-ô ngỡ là đôi môi mấp máy! Hợp lí lắm. Trong khung cảnh đêm trăng, Rô-mê-ô so sánh đôi mắt nàng như hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời. Dưới ngòi bút của thiên tài Sếch-xpia, ý nghĩa ấy được thể hiện đậm chất thơ: “Chẳng qua là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời... chờ đến lúc sao về”.
Nhưng đôi mắt nàng chỉ đẹp như hai ngôi sao thôi ư, dù đó là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời? Qua tâm hồn say đắm của chàng, chẳng ngôi sao nào có thể bì được với đôi mắt đẹp kia! Sếch-xpia để cho nhân vật của ông đặt ra mấy giả định: Sao xuống nằm dưới đôi lông mày kia ư?... Đôi mắt nàng lên thay cho sao ư?... Bình luận giả định thứ hai trước.
Một cách hết sức tự nhiên, giả định thứ nhất hướng mạch suy nghĩ của Rô-mê-ô chuyển sang ca ngợi đôi gò má rực rỡ của nàng tưởng như lúc nào không biết, dẫn đến ý cuối cùng: “Kia, nàng tì má lên bàn tay!”.
Lời thoại đầu tiên đã thể hiện tâm hồn say đắm của Rô-mê-ô trước nhan sắc người đẹp. Mạch suy nghĩ của chàng diễn ra theo trật tự hợp lí và mối liên tưởng so sánh của chàng phù hợp với khung cảnh lúc bấy giờ.