BÀI LÀM

(...) Hai nhân vật chính là Chiêu Vũ và Thuận Nghĩa, được bố trí như hai tuyến đối lập theo công thức chung của văn học trung đại về thiện-ác, chính-tà. Chiêu Vũ có lòng nhân ái, quý trọng con người, có cơ mưu sâu sắc, hành động vì lợi ích chung của quân Nguyễn, biết nghe lời bàn bạc của mọi người, vững vàng trong hiểm nguy, thử thách,... Còn Thuận Nghĩa thâm hiểm, đố kị, độc ác, giết hại binh lính không ghê tay.

Vì thế Thuận Nghĩa nói không đúng, không thật với những suy nghĩ và hành động. Còn Chiêu Vũ trung thực, thẳng thắn, nói và làm đi đồi, là người hành động bình tĩnh, gan dạ, thông minh ứng phó mọi tình huống, cao thượng, không chấp nhặt lòng hiểm độc của Thuận Nghĩa.

(...) Sức hấp dẫn của câu chuyện nằm trong tình huống có tính kịch. Quân chúa Nguyễn trong thế tiến thoái lưỡng nan, tướng lĩnh bất đồng quan điểm, kèn cựa ghen ghét nhau trong khi quân chúa Trịnh đang chờ đợi thời cơ tiến đánh. Quân Nguyễn thoát ra khỏi tình huống ra sao? Câu hỏi đó tạo tâm lí chờ đợi, hồi hộp ở người đọc. Tình tiết căng thẳng dồn dập khi quân Thuận Nghĩa rút lui: ong rừng bay ra cắn quan quân, binh lính bỏ trốn. Cảnh quân lính bỏ trốn bị chính chỉ huy chém giết, quân Trịnh đuổi theo sát phía sau...

Những mưu mẹo của Chiêu Vũ thực ra không phải là mới: Ví dụ chuyện cho ngựa kéo cành cây tung bụi mù để đối phương tưởng là đồng quân địch, không dám tiến lên thực ra là một cảnh trong Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung (Trương Phi trên cầu Tràng Bản đã thực hiện mẹo này khiến cho Tào Tháo nghi hoặc không dám tiến đánh). Chuyện phóng hỏa đốt trại cũng là mô típ quen thuộc trong Tam Quốc diễn nghĩa. Nhà văn đã biết vận dụng sáng tạo kinh nghiệm nghệ thuật đó để kể rất hấp dẫn, sinh động, về cuộc nội chiến. Các đoạn đối thoại giữa các nhân vật bàn về phương châm xử sự với các binh lính bỏ trốn đã thể hiện quan điểm tiến bộ của tác giả về nhân nghĩa.