GỢI Ý

Đây là bài thơ không hoàn toàn dễ hiểu đối với phần đông. Bởi vậy trước hết, ta phải hiểu kĩ từng câu thơ, đoạn thơ để tránh sự suy diễn vu vơ. Đồng thời, lại phải phân tích từng câu, từng đoạn trong chỉnh thể bài thơ một cách nhất quán.

Ở bài này nên theo hướng phối hợp linh hoạt giữa việc phân tích từng đoạn với phân tích từng vấn đề, tức là kết hợp giữa việc “bổ ngang” và “bổ dọc”. Cần tập trung phân tích một số câu tiêu biểu nhất (chẳng hạn những câu 1, 2, 3, 7, 10...)

Suy cho cùng, qua phân tích, phải làm bật được tâm hồn tinh tế nhạy cảm của thi sĩ trước tạo vật và con người khi mùa thu tới. Đồng thời cũng phải chỉ ra được những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ; bên cạnh việc kế thừa truyền thống, với tư cách là một nhà thơ mới, ở đây Xuân Diệu đã có những đóng góp mới mẻ, giàu ý nghĩa.

DÀN BÀI

I- ĐẶT VẤN ĐỀ

- Với nửa thế kỉ lao động sáng tạo bền bỉ, Xuân Diệu đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ khoảng 40 tập bao gồm thơ, truyện ngắn, bút kí, nghiên cứu phê bình văn học và bản dịch thơ nước ngoài. Ở lĩnh vực nào ông cũng có được những thành tựu đáng kể. Tuy vậy, thơ vẫn là bộ phận sáng tác có giá trị nhất của ông đối với lịch sử phát triển của văn học dân tộc,

- Thơ thơ là tập thơ đầu tay và cũng là tiêu biểu nhất của Xuân Diệu trước cách mạng, đồng thời cũng là đỉnh cao của phong trào Thơ mới ở giai đoạn phát triển rực rỡ (1936 - 1940). Bằng tác phẩm này, Xuân Diệu đã mang đến cho thơ ca đương thời một tiếng nói thật táo bạo, mới mẻ, ông được coi là nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh).

Bài Đây mùa thu tới là một bài thơ đặc sắc trích trong tập thơ nói trên.

II- GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Ấn tượng chung về bài thơ và đôi điều gợi mở

a) Linh hồn chung của bài thơ Đây mùa thu tới là chất trẻ trung tươi mới trong con mắt “xanh non” khi nhìn thiên nhiên, là vẻ đẹp giàu sức sống của tuổi trẻ và tình yêu ẩn hiện trong cảnh vật là cái cảm giác cô đơn của cái “tôi” cá nhân biểu hiện niềm khát khao giao cảm với đời” (Nguyễn Đăng Mạnh).

b) Mùa xuân vốn là một thi đề quen thuộc trong thơ ca truyền thống. Trước Xuân Diệu, ở đề tài này đã có những đỉnh cao thật khó vượt qua, với những tên tuổi lừng lẫy như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến... Và ngay cùng thời với Xuân Diệu, trong làng Thơ mới đã có bài Tiếng thu nổi tiếng của Lưu Trọng Lư.

c) Với một đề tài cũ, đã có những thành công nổi bật, tác phẩm mới ra đời chỉ có thể “đứng” được khi tác giả có được nội dung mới và cách nói mới. Bài Đây mùa thu tới đáp ứng được những đòi hỏi khe khắt ấy.

d) Dù ở thơ hay ở văn xuôi, Xuân Diệu thường thể hiện sự cảm nhận hết sức tinh tế bước đi của thời gian. Ở bài Đây mùa thu tới nhà thơ đã cảm nhận được bước đi của tháng năm, của đất trời bằng nhiều giác quan nhạy bén và có cách diễn đạt thật mới mẻ.

2. Phân tích chi tiết bài thơ

a) Trước hết, mùa thu được cảm nhận bằng thị giác. Hình ảnh đầu tiên tác giả đưa đến cho người đọc là “rặng liễu”. “Liễu” đã từng xuất hiện khá nhiều trong thơ xưa. Tuy vậy, dưới con mắt của nhà thơ lãng mạn thì “rặng liễu” trở nên “đìu hiu” như đang “đứng chịu tang” có “mái tóc buồn buông xuống", trông như “lệ ngàn hàng”. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh kể lại: Ông "đã từng được nghe chính Xuân Diệu đọc và bình hai câu đầu của bài thơ này. Nhà thơ đã đọc bằng toàn bộ con người của mình. Tác giả muôn diễn tả những cây liễu bên hồ Gươm hoặc hồ Tây, cành mềm lả xuống, rũ xuống như những thiếu nữ đứng cúi đầu cho làn tóc đổ dài xuống song song... Là mái tóc mà cũng là những dòng lệ – người ta vẫn gọi là “lệ liễu” (saule pleureur), những hàng lệ tuôn rơi hàng nối hàng, cùng chiều với những mái tóc dài...”

Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

- Ở hai câu thơ trên nghệ thuật láy vần (đìu hiu... chịu, buông xuống) và nghệ thuật láy phụ âm (buồn, buông) tạo ra được âm điệu buồn, gợi tả cái dáng buông xuống, rũ xuống mềm mại của hàng tơ liễu. Âm điệu u buồn mà hai câu thơ trên đây gợi ra sẽ chi phối toàn bộ bài thơ, tạo nên nỗi buồn triền miên vô tận. Song, buồn mà vẫn đẹp, đẹp một vẻ đẹp thật thướt tha yểu điệu và trong sáng. Những rặng liễu đứng đìu hiu như đang chịu tang, vẫn choàng tấm áo mơ của mùa thu dệt bằng lá vàng phai...

- Mùa thu trong bài thơ này cũng gần gũi với mùa thu trong thơ của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Du... ở vẻ đẹp và buồn. Tuy vậy, mùa thu trong thơ Xuân Diệu vẫn có nét riêng. Nét riêng này được biểu hiện trước nhất qua cái nhìn vồ vập thiết tha đối với tạo vật. Dường như dưới con mắt "xanh non” của nhà thơ mới, đây là lần thứ nhất cảnh vật được phát hiện với dáng vẻ trẻ trung tươi mát. (Bên cạnh đó, không thể thiếu tình yêu thể hiện qua nhiều màu sắc khác nhau cùng cảm giác “run rẩy” cô đơn, thể hiện qua những khổ thơ tiếp theo). Cái nhìn thiết tha đối với tạo vật có thể nhận thấy qua cách diễn đạt bồi thận, gây ấn tượng mạnh đối với người đọc. Đây mùa thu tới / mùa thu tới. Dường như câu thơ ấy có tiếng reo ngỡ ngàng của con người khi mùa thu tới, vừa có cả sự hối thúc của thời gian, một đi không trở lại.

- Nghệ thuật láy phụ âm đặc biệt có hiệu quả ở khổ thơ thứ hai:

Những luồng run rẩy rung rinh lá

Bốn phụ âm “r” được dùng liên tiếp “run rẩy rung rinh” để diễn tả cái yếu ớt, sợ hãi của những chiếc lá vàng sắp phải lìa cành. Câu thơ tiếp theo: Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh gây được ấn tượng mạnh, gợi được cái khô gầy, run rẩy của cành cây. Cùng với câu thơ trên, hình ảnh khô gầy trơ trụi ở câu thơ này còn gợi cho người đọc về sự lạnh lùng. Tất cả thấu một nỗi buồn cô đơn. Cô đơn nhưng không tàn tạ mà vẫn nên thơ, vẫn đẹp.

b) Mùa xuân còn được Xuân Diệu cảm nhận bằng xúc giác. Cuộc chuyển mùa được tác giả diễn tả hết sức tinh tế. Đầu tiên, cái lạnh đến bằng những đợt gió lạnh lan tỏa trong không gian, làm cho bạo chiếc lá úa vàng, Sợ hãi run rẩy, làm cho cả những cành cây héo hon, khô gầy đi. Thế rồi, nó còn khiến cho gương mặt “nàng trăng” trở nên nhạt nhòa, ngay khi vừa hiện ra từ một đỉnh núi xa mờ:

Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ

Và sau cùng, như một tất yếu, cái lạnh đã tác động đến con người. Dường như trước cảnh vật biến đổi trở nên buồn vắng kia, con người cũng ít hoạt động hơn, trong một không gian thấm lạnh:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò

Cái chính ở hai câu thơ trên không phải là tả mà là gợi, gợi lên cái cảm giác bâng khuâng trước cảnh đìu hiu, mênh mông sông nước. Cái rét tựa hồ còn được cảm nhận cả bằng thính giác. Đã nghe rét mướt. Ở đây phải chăng có sự chuyển đổi cảm giác? Nói cho cùng, cái rét được cảm nhận qua tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, khi nó vừa tới, vừa mới đủ làm cho đất trời se lạnh. Bằng hình ảnh rét luồn trong gió, tác giả cụ thể hóa được chuyển động vô hình của thời tiết một cách tài tình.

- Bài thơ có nhiều câu chấm lửng buông lửng (...). Đấy như là những khoảng trống bao hàm sự vang vọng, ngân nga vô cùng tận của một nỗi buồn xa vắng mơ hồ. Cái tài tình của Xuân Diệu có phần chính ở những khoảng trống vang vọng ấy. Bởi lẽ “sáng tạo sự im lặng hàm súc trong một bài thơ cũng hay như cấu tạo một câu thơ" (Malacmê).

- Bởi cô đơn, lạnh lẽo nên nhà thơ cảm thấy đất trời quạnh quẽ đìu hiu: gió lạnh, đò vắng khách, vầng trăng như ngẩn ngơ... Dường như, vạn vật đang cùng trong một cuộc chia phôi buồn bã: Nhiều hoa rụng mất cánh, cành cây khô gầy ớn lạnh, lá sợ hãi chờ phút lìa cành, đàn chim cũng bay đi tìm một phương trời ấm áp... Người thiếu nữ, trước cảnh vật ấy, cũng buồn trầm mặc:

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.

- Từ hình ảnh trầm mặc của người thiếu nữ tựa cửa nhìn ra xa mà suy nghi vấn vương, nhà thơ mở ra một khoảng trời bao la cho sự tưởng tượng phong phú của mỗi một người đọc.

- So với một số bài thơ cùng thời, bài thơ này có cách thể hiện khá mới lạ. Ngay tựa đề “Đây mùa thu tới” đến cách diễn đạt hơn một loài hoa, nàng trăng tự ngẩn ngơ, non xa khởi sự, ít nhiều thiếu nữ... đều có vẻ gần với thơ dịch, gần với thơ Tây. Tuy nhiên, thời gian đã cho thấy: Đây chính là cách biểu đạt mới mẻ sẽ được dùng phổ biến trong thơ Việt Nam hiện đại. Vả lại, những yếu tố “Tây” nói trên xuất hiện trong một bài thơ đậm đà tính dân tộc. Do đó, chúng có phần được Việt hóa và dễ dàng được bạn đọc chấp nhận.

III- KẾT THÚC VẤN ĐỀ

- Xuân Diệu là thi sĩ rất sợ cô đơn và viết rất hay về sự cô đơn. Đấy là những biểu hiện khao khát được sống hết mình, được giao cảm với đời của chính nhà thơ.

- Bài Đây mùa thu tới đúng là: “Đầy những lời nhớ nhung, những linh hồn cô đơn đang thả ra những tiếng thở dài để gọi nhau” như chính nhà thơ đã nói.