TÌM HIỂU ĐỀ

Đề yêu cầu bình giảng khổ thơ mở đầu bài Tống biệt hành của Thâm Tâm. Trong trào lưu thơ ca lãng mạn Việt Nam 1932-1945, Tống biệt hành là một thi phẩm mang không khí thẩm mĩ đặc biệt. Từ nội dung cảm xúc đến âm điệu thơ, Tống biệt hành trộn lẫn giữa nỗi buồn bâng khuâng, man mác với sự rắn rỏi, ngang tàng. Để cảm nhận và phân tích ra điều ấy quả không dễ.

Nét đặc sắc riêng của Tống biệt hành nói trên được thể hiện ngay từ khổ thơ mở đầu. Khi bình giảng cần hiểu đúng vị trí của khổ thơ này - nó có ý nghĩa tạo âm hưởng, tạo đà cảm xúc chung cho toàn bài thơ. Về mặt hình thức, khổ thơ mang ngữ điệu lời hỏi. Nhưng hỏi ở đây không nhằm yêu cầu người khác trả lời mà để nhân vật trữ tình tự đi sâu vào tâm trạng, giãi bày tâm trạng khác thường của mình trong thời điểm chia li.

Cần chú ý không gian, thời gian của cuộc tổng biệt. Nó chẳng có gì đặc biệt song rất đặc biệt là nỗi xao xuyến, bâng khuâng trong lòng người đưa tiên. Trọng tâm ý nghĩa của khổ thơ nằm ở các dòng 2 và 4.

Khi bình giảng khổ thơ, nên chia nó thành hai lời hỏi và lưu ý đến sự kết hợp giữa chất cổ điển và chất hiện đại trong hình ảnh thơ, trong xúc cảm của nhân vật trữ tình. Ấy cũng là đặc sắc mà không nhiều bài thơ, đoạn thơ trong trào lưu thơ ca lãng mạn có được.

Muốn bình giảng hay, người làm bài cần thâm nhập sâu vào không khí bài thơ, đặt mình vào hoàn cảnh của người tiễn, người ra đi để viết có xúc cảm.

DÀN BÀI

I- MỞ BÀI

- Vị trí của Tống biệt hành trong trào lưu thơ ca lãng mạn 1932-1945.

- Nét đặc sắc bao trùm bài thơ.

- Khổ thơ mở đầu và vai trò của nó trong toàn bài.

II- THÂN BÀI

1) Nhận xét bao quát về cấu trúc khổ thơ: hai lời hỏi để đi sâu vào tâm trạng.

2) Bình giảng lời hỏi thứ nhất (2 dòng đầu).

- Sự gợi nhắc tới sông và sáng tạo không khí cổ điển trang trọng và xao xuyến khác thường.

- Sự đối lập giữa không và có, giữa điều bình thường và điều không bình thường để diễn tả tâm trạng đặc biệt lúc đưa tiễn.

3) Bình giảng lời hỏi thứ hai (2 dòng sau)

- Sự tiếp tục đối lập giữa không và có, giữa thời gian, không gian đưa tiễn bình thường với tâm trạng không bình thường.

- Vẻ đẹp lãng mạn và ý nghĩa của hình ảnh hoàng hôn đầy trong mắt trong.

III- KẾT BÀI:

Khẳng định lại tâm trạng khác thường và vẻ đẹp của nỗi buồn trong khổ thơ.