GỢI Ý LÀM BÀI

1. Giới thiệu đoạn thơ

a) Đoạn thơ là hai khổ đầu của bài Tràng giang, một trong những bài tiêu biểu cho thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám 1945.

b) Bài thơ rút trong tập Lửa thiêng, tập thơ đầu tay của Huy Cận, sáng tác khoảng 1937-1940. Tập thơ đã khẳng định vị trí của Huy Cận trong phong trào Thơ mới ở thời kì phát triển.

2. Bình giảng đoạn thơ

a) Về nghệ thuật đề cập đến các yếu tố (có thể kết hợp với nội dung):

- Các từ: Điệp điệp, song song, lơ thơ, đìu hiu, chót vót và sâu, cô liêu...

- Các hình ảnh ẩn dụ: sóng gợn tràng giang điệp điệp (như) nỗi buồn; tượng trưng: con thuyền (cuộc đời lênh đênh), cành củi khô (kiếp người bé nhỏ, lạc loài)... Lấy âm thanh (Tiếng làng xa vãn chợ chiều) và sự hoạt động, vận động (lên, xuống...) để gợi tả sự vắng lặng.

b) Về nội dung, nêu được các ý:

- Khổ đầu là khung cảnh sông nước mênh mông. Bằng một hình ảnh ẩn dụ và một từ láy “điệp điệp”, câu thơ diễn tả một nỗi buồn bất tận như sóng gợn trùng trùng không dứt trên tràng giang:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

- Hai câu thơ liên tiếp là hình ảnh con thuyền gợi liên tưởng đến cuộc đời trôi nổi, cô đơn. Thuyền với nước “song song” không gắn bó với nhau, thậm chí “thuyền về” thì “nước lại” – chia li; “Con thuyền xuôi mái nước song song - Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”.

- Nước thì “sầu” trăm ngả, không biết đi về đâu, còn cành củi “khô” thì “lạc mấy dòng” như kiếp người nhỏ nhoi lạc loài, vô định như bị quên lãng giữa dòng đời: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Vậy là củi, nước, thuyền, sóng, cả tràng giang... đều “buồn”, “sầu”.

- Khổ thứ hai là khung cảnh vắng vẻ, hoang sơ. Cồn thì nhỏ, cây thưa (lơ thơ) đã vắng lại thưa, gió “đìu hiu”, cảnh càng vắng vẻ. Vắng tiếng chợ tàn càng gợi thêm cảm giác vắng lặng, cô đơn:

Lơ thơ còn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

- Hai câu cuối vẫn là một khung cảnh buồn, vắng, cô liêu. Nắng thì “xuống”, trời thì “lên” cao đến vượt ra ngoài tầm nhìn “chót vót” nên trở nên “sâu”, huyền bí... như càng trở nên bé nhỏ giữa sông dài trời rộng... Con người trở nên bé nhỏ, bất lực trước một không gian: sông, nước, trời mênh mang, vắng lặng, huyền bí:

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

3. Tràng giang là một bài thơ buồn: khổ nào, dòng nào cũng thấm đẫm nỗi buồn. Cái buồn như toát ra từ cảnh vật, không gian và từ tâm trạng của con người như bị tách ra khỏi mọi mối liên hệ – con người đang sống trên đất nước mình mà vẫn bơ vơ, thiếu quê hương. Đó là tâm trạng chung của cả một bộ phận thanh niên trí thức tiểu tư sản trước Cách mạng tháng Tám 1945.