BÀI LÀM

1. MỞ BÀI

Trong bài thơ Giải đi sớm, Bác tả thực một lần chuyển nhà giam vào mùa thu năm 1942 từ Quả Đức tới Long An. Nhờ nghệ thuật cổ điển trong sáng mà cô đúc của hồn thơ Việt Nam, qua những thị liệu cụ thể và sống động, bài thơ đã đem tới cho người đọc nhiều bài học có ý nghĩa sâu sắc: Đó là cảm quan biện chứng, là cách nhìn cuộc sống trong sự vận động tất yếu theo chiều hướng tốt đẹp; đó là ý chí kiên cường trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn gian khổ như thế nào vẫn tin tưởng ở tương lai tươi sáng mà vững bước đi tới, đồng thời bài thơ còn là sự thể hiện chân thật tình cảm của Bác trước thiên nhiên và cuộc sống trong cảnh kiếp tù đày.

2. THÂN BÀI

+ Bài 1:

- Câu thơ mở đầu cho thấy thời điểm của lần chuyển nhà giam này. Đó là khoảng thời gian quá nửa đêm, lúc gà gáy lần thứ nhất. Có lẽ vì đoạn đường sắp phải đi trong ngày rất xa nên mới phải xuất phát từ Sớm như vậy chăng? Tiếng gà gáy vừa gợi cách tính thời gian theo kiểu dân tộc (hình như trong cách tính thời gian bằng âm thanh đặc trưng này có ẩn chứa một nỗi niềm quê kín đáo?) vừa là nghệ thuật dùng “động tả tĩnh” mà gợi tới cái không gian tĩnh mịch, hoang vắng của rừng núi Quảng Tây trong đêm khuya.

- Tuy thiên nhiên được miêu tả là tĩnh mịch, hoang vắng nhưng đấy vẫn là một thiên nhiên sống động có chòm sao nâng đỡ, đẩy vầng trăng vượt lên cao hơn về phía rặng núi mùa thu. Sự vận động của trăng sao báo hiệu đêm đang dần qua, ngày sắp tới. Tất nhiên, xét một cách khách quan, phải có trăng sao thật trên bầu trời thì mới có những hình ảnh ấy trong bài thơ này, nhưng xét về mặt chủ quan, do tâm hồn người tù luôn hướng về cái đẹp và ánh sáng nên trăng sao mới đi vào thơ đẹp và sáng như thế. Đặc biệt trăng sao được nhân hóa nên càng sống động, ấm áp tình cảm của con người: Dường như trăng sao ấy cũng khởi hành lúc người tù lên đường. Như vậy, trăng sao đã trở thành người bạn đồng hành của Bác. Và cũng vì thế, trên con đường xa nơi đất khách quê người, cảm giác cô đơn của con người hình như cũng được bớt đi chút ít.

- Cả khổ thơ nói về chuyện giải đi sớm nhưng không hề có bóng dáng của bọn lính áp giải, chỉ có hình ảnh người tù; có điều người ấy không cúi xuống vì gông xiềng khổ ải mà lại ngẩng cao đầu ngắm nhìn, thưởng thức vẻ đẹp hài hòa của vũ trụ. Phải chăng đây chính là biểu hiện tự nhiên của phong thái ung dung tự chủ của một người luôn vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt, một người có tâm hồn hòa nhịp cùng sự vận động của trăng sao, vũ trụ?

- Câu thơ “Nghênh diện thu phong trận trận hàn” cần được hiểu đúng nghĩa là “Đối mặt với gió thu thổi từng cơn, từng cơn lạnh buốt”. Bản dịch chuyển “đối mặt” thành “rát mặt” và bớt một chữ “trận” đã không diễn đạt hết được sự cố gắng, chủ động của người đi đường; đồng thời còn làm giảm ý nghĩa tả thực về thiên nhiên khắc nghiệt. Ở đây, thiên nhiên không chỉ đẹp mà còn dữ dội; người tù không chỉ có một tâm hồn đầy chất thơ mà còn có một bản lĩnh thép. Tương ứng với những khó khăn do hoàn cảnh là cái dũng khí, là tư thế của con người kiên cường đối mặt với gió rét, bất chấp mọi gian khổ ấy (người đi đường xa đã cất bước trên quãng đường xa, mặt đón từng luồng gió thu lạnh buốt). Đó cũng chính là tư thế và cốt cách của một người chiến sĩ cách mạng.

+ Bài 2:

- Trong khổ thơ này, ba câu thơ đầu dựng lên một khung cảnh đất trời rộng lớn đang biến chuyển mạnh mẽ lúc ban mai:

* Bầu trời có sự thay đổi màu sắc (đêm từ màu đen chuyển dần sang màu trắng rồi tràn ngập ánh hồng của bình minh – điều đó cho thấy thiên nhiên vẫn tiếp tục vận động về phía một ngày mới).

* Không khí trong vũ trụ có sự thay đổi tính chất (không khí lạnh giá của đêm khuya đã được thay dần bằng không khí ấm áp của bình minh).

Những cặp đối lập nói trên đã giúp ta cảm nhận được sự thay đổi về tính chất của thiên nhiên giữa hai khổ thơ (trước là “đêm chửa tan”, còn bây giờ là “màu trắng chuyển sang hồng”, là “hơi ấm bao la trùm vũ trụ”).

Tới đây ta nhận thấy rất rõ nét độc đáo của tứ thơ theo cảm quan biện chứng của nhà thơ: Đó là sự vận động tất yếu theo chiều hướng tốt đẹp của hiện thực cuộc sống. Khi đọc bài Giải đi sớm, nhà văn Đặng Thai Mai đã phát biểu: “Đây là một tứ thơ cải tạo thế giới”. Thiên nhiên ở đây không chỉ được tả thực mà còn ít nhiều có ý nghĩa tượng trưng. “Màu hồng” không chỉ là màu của bình minh đang rạng mà còn là màu tượng trưng cho cách mạng. “Màu hồng” không chỉ xua tan bóng đêm đen mà còn có ý nghĩa là sự chấm hết đối với những gì thù địch với cách mạng. Trong trường hợp cảm nhận như thế, “hơi ấm” mang ý nghĩa tượng trưng cho sức sống và hạnh phúc mà cách mạng có thể đem lại cho nhân loại. Tóm lại, sự nghiệp phấn đấu cho những gì tiến bộ, tốt đẹp sẽ chiến thắng, loài người sẽ đi tới một tương lai tươi sáng. Đó là điều tất yếu, là một quy luật không thể đảo ngược được như quy luật vĩnh hằng của tự nhiên: Hết đêm tối là tới bình minh vậy.

- Nếu trong khổ thơ đầu tiên, hình ảnh con người đã là trung tâm của bức tranh thiên nhiên thì đến khổ thơ này, hình ảnh ấy càng đẹp đẽ, hào hùng hơn trong khung cảnh vũ trụ bao la chan hòa ánh bình minh. Tương ứng với sự cải thiện của hoàn cảnh là niềm phấn đấu của con người (bỗng chốc thi hứng của người đi đường càng thêm nồng đượm). Cảm hứng làm thơ ở khổ thơ thứ nhất bắt nguồn từ hình ảnh đầy chất thơ của “Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn”. Tới đây, cảm hứng ấy “bỗng thêm nồng” do cái huy hoàng của một ngày mới gọi thêm hứng khởi. Nhận xét về từ “thi hứng” này, nhà văn Hoài Thanh đã viết: “Đó là một nguồn cảm hứng lớn lao khiến cảnh bình minh trong một ngày thường bỗng có cái khí thế của cảnh bình minh chung cho cả một thời đại”. Nếu đúng thế, “thi hứng” đã được mở rộng nghĩa: nó không chỉ đơn thuần được hiểu là cảm hứng của nhà thơ mà còn là nhiệt tình, là niềm lạc quan yêu đời của một người chiến sĩ cách mạng.

3. KẾT LUẬN

Điểm nhìn của bài thơ Giải đi sớm là “cảm quan biện chứng của một người chiến sĩ cách mạng”. Điều đó lý giải tại sao khi miêu tả hiện thực khách quan và tâm trạng, nhà thơ đã miêu tả từ bóng tối hướng ra ánh sáng, từ đêm khuya tới bình minh, từ giá lạnh đến ấm áp, cuộc sống có xu hướng vận động từ hiện tại đến tương lai, cảm nhận của con người từ đau khổ đến niềm vui, từ tư thế của một người tù dần lộ ra tư thế của một chiến sĩ cách mạng, một thi nhân. Một trong những nét độc đáo của bài thơ là ở chỗ tinh thần và cốt cách của người chiến sĩ cách mạng đã được nhà thơ gián tiếp thể hiện qua cái đắm say trước vẻ đẹp của cuộc sống và thiên nhiên. Và như vậy, chất “thép” đã hóa thân thành chất “thơ” một cách nhuần nhị và tinh tế...