BÀI LÀM

(...) Ở câu thứ nhất của đoạn trích ta gặp một sự khẳng định có tính chất mở đường cho cách lập luận và tạo ra cảm xúc của bài thơ: đời anh là một trái tim. Ở các dòng thơ thứ 5, 8, 11, 14 các cụm từ nếu trái tim anh được lặp lại nhiều lần. Trong nguyên tác bằng tiếng Anh do chính Ta-go tự dịch ra, cụm từ này có nghĩa là đời anh. Từ đây ta có các từ chìa khóa quan trọng: đời anh là trái tim - đời anh là tình yêu, đời anh = trái tim = tình yêu. Các từ chìa khóa này cho phép hiểu tình yêu ở một khía cạnh cao hơn.

Các câu thơ được cấu trúc theo hình thức nghịch lí, đặc biệt qua các dòng thơ 3 – 4:

Em là nữ hoàng của vương quốc đó

Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.

Hay các dòng thơ 14 - 15:

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.

Giọng điệu nghịch lí này xuất hiện ở đầu bài thơ qua hình ảnh đôi mắt em muốn tìm sâu vào tâm tưởng của anh. Nghịch lí này gắn liền với bản chất của cuộc sống, của tình yêu.

Tác giả thường đưa ra một giả định không thực, sau đó tiến hành bước phủ định giả thiết ấy để hướng tới một sự khẳng định mới, tạo ra bất ngờ và hứng thú:

Nếu trái tim anh (= đời anh) = là = một phút giây lạc thú (thì)...

Nếu trái tim anh (= đời anh) = chỉ là = khổ đau (thì)...

Độc giả đang chờ đợi thì một sự bất ngờ đến ngay bởi hệ thống các từ chìa khóa: đời anh là trái tim - đời anh là tình yêu, đời anh = trái tim = tình yêu, tức là độc giả được đưa đến, được đặt vào một sự khẳng định khác lớn hơn, cao cả hơn, không chỉ dừng ở mức độ so sánh bình thường. Cái bí ẩn của tình yêu xuất hiện cho dù em có là nữ hoàng của vương quốc tình yêu đó đi chăng nữa thì nữ hoàng ấy cũng chẳng dễ gì hiểu được vương quốc của mình. Cuộc đời không chỉ được đo đếm bằng niềm vui hay nỗi buồn cụ thể mà cuộc đời chính là tình yêu với biểu hiện muôn màu của nó, là sự hòa trộn của niềm vui và nỗi đau, bởi tình yêu bao gồm trong nó sự đa dạng của cuộc đời.

Các dòng thơ:

Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu

Nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên,

Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu.

đã làm rõ hơn chiều sâu của tình yêu, một tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất của con người.

Hai dòng thơ cuối cũng cho thấy một nghịch lí:

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.

Ở đây, tình yêu là cuộc đời, tình yêu vừa rất cụ thể song lại cũng trừu tượng vô cùng, nó vừa hữu hạn tưởng chừng như thể có một đường biên rõ ràng mà lại vô hạn chẳng biết đâu là bến, đâu là bờ của nó. Bởi thế cho dù nó bao gồm cả niềm vui và nỗi đau thì chính những niềm vui và nỗi đau ấy cũng vô cùng vô tận. Cũng như thế, sự giàu sang của nó, sự thiếu thốn của nó là vô tận. Ở đây cần thiết phải lí giải nghịch lí này. Muốn thế phải trở về với các từ chìa khóa: đời anh = tình yêu, đời anh là hiện thân của tình yêu, anh là tình yêu. Đến với anh không chỉ đến bằng sự nhận thức thuần túy lí tính, bằng ghép định lượng định tính, bởi mỗ một con người là một tiểu vũ trụ tồn tại trong cái thế giới đại vũ trụ bao la. Mặt khác, đời anh là tình yêu cho nên muốn hiểu được đời anh tất yếu phải dùng tình yêu, chỉ có tình yêu đến với tình yêu, chỉ bằng tình yêu để khám phá và mở đường thì mới được đền đáp, mới hạnh phúc vì lúc đó mới hiểu được bản chất của tình yêu.

Bài thơ toát lên âm hưởng của giọng điệu thơ tình qua cách thức giãi bày, bộc lộ quan niệm về tình yêu mà ở đây có thể liên tưởng tới tình yêu lứa đôi. Song bằng hình thức cấu trúc câu thơ theo lối giả định - phủ định - khẳng định, tác giả đã chỉ ra những nghịch lí của tình yêu. Từ đấy tác giả trình bày một quan niệm tình yêu khác, rộng hơn nhiều so với các quan niệm của các nhà thơ khác. Bài thơ diễn tả một nội dung triết lí về tình yêu, từ đó mở rộng ra ý nghĩa của cuộc đời, cho tình yêu nói chung và rộng hơn, cho mọi tình cảm của con người. Âm hưởng trữ tình tha thiết tạo ra sự trầm lắng, suy tư đầy chất triết lí vừa gợi mở cho độc giả niềm vui hướng tới tình yêu thiêng liêng, vừa tạo ra cảm giác kì diệu, bí ẩn của tình yêu.