BÀI LÀM

Có lần tôi thấy một người đi

Chẳng biết về đâu, nghĩ ngợi gì

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ

Một mình làm cả cuộc phân li..

(Những bóng người trên sân ga - Nguyễn Bính).

Đó là một cuộc tiễn đưa trong thơ Nguyễn Bính, không phải ở một bên đò, gốc đa, không phải giữa một người yêu với một người yêu, giữa bà mẹ với người con hay hai người bạn với nhau, mà là cuộc tiễn đưa chính mình trong cái ngỡ ngàng, xót xa và sự mơ hồ, vô định, chỉ riêng mình mới cảm nhận hết. Cũng đã từng có một cuộc chia li như thế diễn ra trong lòng người ở bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm. Cũng là một cuộc chia biệt đầy cay đắng, thảng thốt, níu kéo và có cả cái mơ hồ, khó hiểu nhưng không phải ở mục đích ra đi mà ở đối tượng chia li. Người đi, kẻ ở trong bài thơ được đặt trong mối giao hòa chung, tuy một mà hai, tuy hai mà một.

Tống biệt hành là một cuộc chia li khá độc đáo, một tình huống mới đáng chú ý của thơ Việt Nam, đặc biệt là thơ 30–45. Mặc dù bài thơ đã có sự rạch ròi về đối tượng ra đi nhưng không phải nó không gây băn khoăn cho người đọc. Rất nhiều bài viết đã đưa ra ý kiến tranh luận về điều này và hầu như chưa đi đến một quan niệm thống nhất. Liệu cách xưng hô “ta” và “người” có phải là một cách nói hình thức, có tính ước lệ?

Thâm Tâm viết Tống biệt hành năm 1940. Có nhiều người cho rằng đây là một áng thơ mang “tâm sự của người cầm bút thời đại”. Giữa khi cả dân tộc đang chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám. Nhưng theo xuất xứ của bài thơ, không có yếu tố nào liên quan đến điều này. Mục đích của người ra đi chỉ được gói gọn trong câu thơ: “Chí nhớn chưa về bàn tay không”, chỉ là một lời giải đáp có tính chất tượng trưng, ra đi vì nghĩa lớn của đời mình. Và điều quan trọng là cuộc chia tay giữa một “ta” với một “người” không cụ thể, không xác định; đó chỉ như một cách gọi trong thơ, một kiểu “đặt tên” cho nhân vật của Thâm Tâm.

Hãy cứ tạm xem bài thơ là cuộc tiễn đưa giữa ta (kẻ ở) với người (người đi). Cách xưng hô ấy được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần trong các khổ thơ (“đưa người ta”, “ta biết người”, “ta biết người”...); đại từ “ta” và “người” luôn đi song song với nhau, cùng đồng cảm, song hành trong nỗi đau chia biệt. Cái tình của cuộc chia li đọng lại trong màu hoàng hôn ẩn nơi ánh mắt, trong tiếng sóng cồn lên nơi lòng người, trong tâm trạng bâng khuâng, xót xa trước cảnh ngộ gia đình... Ngoại cảnh và nội tâm đều được nói đến trong sắc thái buồn của sự chia cắt, của níu kéo, dùng dằng. Dường như những tình cảm ấy được diễn giải bằng một quy luật xuyên suốt bài thơ. “Người” và “ta” cứ hiện diện rồi lại chìm đi, nhường chỗ cho những dòng tâm tình không chủ thể. Ở khổ thơ thứ nhất, người và ta được nhắc đến hai lần (trong câu đầu và câu thứ năm) ở các khổ sau chỉ được nhắc một lần ở mỗi câu mở đầu. Cả đoạn thơ:

Một giã gia đình, một dửng dưng

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Chí nhớn chưa về bàn tay không

Thì không bao giờ nói trở lại!

Ba năm mẹ già cũng đừng mong

Như một lời tự thuật, lời bộc bạch của nhân vật trữ tình. Ranh giới giữa ta và người bị xóa nhòa, nhập làm một và hiện hữu trong những câu thơ trống chủ ngữ ấy. Ra đi vì chỉ lớn, cũng có thể là mục đích của ta, cũng có thể là của người. Ta đang nói về người, người đang nói với ta hay đang tự nói về mình?

Người ở lại luôn nhìn thấy những nỗi buồn của người đi. “Ta biết người buồn chiều hôm trước”, “Ta biết người buồn sáng hôm nay”. Đó là những nỗi buồn không phải người đưa tiền nào cũng có thể đọc được trong tâm trạng người khác. Phải là một người tinh tế lắm, phải nhập hồn mình vào cuộc chia li đến mức nào thì “ta” mới có thể hiểu được nỗi đau của “người” một cách sâu sắc như thế:

Một chị, hai chị, cùng như sen.

Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc

Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay

Một giọt lệ đau xót, một ánh mắt tròn ngơ ngác, tiếc nuối... Đó là nỗi đau của người chị, đứa em, nhưng cũng là nỗi xót xa của người ra đi vì phải chứng kiến cảnh tượng ấy. Cho nên dù đã dứt áo mà lòng vẫn ở lại. Ta đau xót cho cái dùng dằng của người, cho nỗi buồn của đứa em, người chị. Phải chăng cũng là xót cho chính ta? Nhìn thấy nỗi buồn biệt li của người phải chăng là nhìn thấy một phần hồn ta trong đó? Có lẽ vì thế mà cách gọi thân mật “em nhỏ”, “mẹ già”, “chị” khiến người đọc liên tưởng tới lời bộc bạch về cảnh ngộ (của bản thân) không chỉ của “người” mà còn là của “ta” nữa. Tình cảm trước gia đình của “người” đã chuyển thành nỗi lòng “ta”. “Ta” cũng có cảm giác mẹ ta, em ta, chị ta đang khuyên ta những lời chân thành.

Bài thơ dồn sức nặng ở khổ cuối. Càng về sau tình cảm chia li càng đậm nét:

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Mẹ thà coi như chiếc lá bay

Chị thà coi như là hạt bụi

Em thà coi như hơi rượu say

Lòng người đi như vẫn vương vấn mãi một chữ tình với người ở lại cho nên đã đi mà vẫn không biết mình đi chưa, đang mơ hay sống thực. “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!”, cái giật mình thảng thốt, nhận ra sự thật cay đắng người đã đi. Để rồi câu cuối lại nên một tiếng thở dài xót xa. Điệp từ “thà” có âm điệu trầm nhưng mạnh, nhấn các câu thơ xuống, kéo lòng người đi trở lại, nén dồn tình cảm, người đi trở nên bất cần. Nỗi đau vì thế dâng lên, ngập ở trong lòng, nó gói trọn những nỗi đau từ trước. Người đi như gồng lên, cố dứt tình với tất cả. Nỗi đau không bộc lộ trực tiếp nhưng lên đến đỉnh cao của sự dồn nén. Đó chỉ có thể là tiếng nói của chính người trong cuộc, là tiếng lòng đau nhói, chói gắt của kẻ muốn đi mà vẫn thấy mắc nợ với gia đình. Nếu cái giật mình kia là của “ta”, là nỗi đau, ngỡ ngàng, hụt hẫng của ta khi người ra đi thì giữa ta và người đã có một mức độ gắn bó rất mật thiết, như là máu thịt của nhau. Ta hòa vào nỗi lòng của người và tấu lên thành khúc nhạc bị tráng.

Bài thơ có rất nhiều những câu hỏi tu từ, đặt ra không phải cho ta, cho người mà là cho chung cuộc chia li, những câu cảm thán đầy ý nghĩa:

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Li khách! Li khách! Con đường nhỏ

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!

Bài thơ trở nên giàu sắc thái biểu cảm, ghi được những khoảnh khắc tâm trạng chia lị một cách tinh tế nhờ những câu thơ như thế. Và hòa chúng trong nhịp điệu chung ta bắt gặp ở “Tống biệt hành" một lời tâm tình nhỏ nhẹ nhưng đau xót. Có một con người đang diễn tả lại một cuộc chia li mà anh ta biết mình có mặt trong đó. Người đi và người ở lại ràng buộc nhau, không thể rời xa, không tách bạch được. Về lí ta vẫn cứ là người ở lại, người vẫn cứ là người ra đi nhưng cái tình của ta và người lại là cái tình chung, là nỗi đau lấp đầy khoảng không gian chia li tưởng chừng quá trống trải “đây hoàng hôn trong mắt trong”. Hoàng hôn trong mắt ta hay hoàng hôn trong mắt người? Không gian ấy cũng có thể là không gian thực, cũng có thể là không gian tượng trưng nào đấy, không gian của nỗi buồn. Nó vốn đã không được xác định ngay từ đầu: không phải ở bến sông như mọi cuộc chia li khác. Ta nghe, cảm được tiếng sóng trong lòng mình, thì ta cũng có thể tưởng tượng ra màu của buổi chiều muộn ẩn trong đôi mắt mình lắm chứ?

Với sắc thái là một cuộc tự tiễn đưa, bài thơ dường như trở nên xót xa hơn, nỗi đau được nhân lên bội phần. Bởi lẽ mọi trạng thái tình cảm của người đều được tiếp nhận qua ta. Trong một con người luôn luôn có sự đấu tranh, giằng co giữa hai con người đối lập nhau. Sự phân thân của nhân vật trữ tình không phải ngẫu nhiên đã tạo cho bài thơ một cách nói hoàn toàn mới mẻ mà vẫn giữ được những nét truyền thống cơ bản.

Có thể đưa ra một giả thiết mới cho bài thơ: thay đại từ “người” bằng “ta”, nghĩa là tự ta đưa ta, tự ta đọc những tâm sự của ta, tự ta thảng thốt khi nhận ra rằng ta đã đi xa rồi. Đó là cách làm cho mối quan hệ giữa người đi, kẻ ở được xác lập là một. Nhưng vả chăng làm như vậy bài thơ sẽ mất đi chất giọng cổ vốn có ở thể hành và mức độ của sự níu kéo trong lòng người ra đi cũng nhạt hơn. Bài thơ sẽ trở nên đơn điệu khi mọi sự quá rạch ròi, trong khi đó lại không phải là điều cần thiết đối với cuộc ra đi này. Người đi sẽ mất đi sắc thái tình cảm lớn: ra đi dứt khoát mà không vướng bận gì chuyện gia đình. Và cái giật mình ở khổ thơ cuối liệu có còn phù hợp là một trạng thái mơ mơ, thực thực? Trong cái u buồn của lòng người, không nhất thiết phải tìm ra một sự rạch ròi nào cả, nhất lại là trong thơ. Cho nên dù người và ta trong Tống biệt hành đều là hiện thân của nhân vật trữ tình, bạn đọc cũng không thể thay đổi ngôn ngữ, cách xưng hô của bài thơ cho phù hợp với đối tượng chia li.

Một cuộc tự đưa tiễn chính mình, với khả năng ấy bài thơ như được mở rộng hơn về ngữ nghĩa. Ta hình dung đến người nam tử giữa một buổi hoàng hôn quạnh vắng, trên con đường nhỏ âm thầm, lặng lẽ giã biệt những ngày tháng cũ, giã biệt tất cả để ra đi thực hiện chí lớn. “Người” và “ta” có lẽ chỉ là một cách gọi hình thức, một cách để nhân vật trữ tình cố gắng tách biệt nỗi dùng dằng không muốn dứt tình với quyết tâm phải ra đi. Nhưng càng tách bạch thì càng thấy mình bị níu kéo, dấn thêm một bước là thấy lòng nặng trĩu, dứt bước để ngoái lại lâu hơn:

Ta biết người buồn chiều hôm trước

Ta biết người buồn sáng hôm nay

Để rồi khi nỗi đau nhân lên quá lớn, người trong cuộc không biết là mình đã đi hay đang ở lại. Câu hỏi “Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực” bỗng trở thành ngưỡng cửa của thực tế và hư ảo, của “ta” và “người”, là cái ngẩn ngơ đầy xót đau, nuối tiếc. Và rồi sau cái nén lòng:

Mẹ thà...

Chị thà...

Em thà...

bài thơ khép lại mà như trải ra mênh mông nỗi đau. Người đi đã bước đi rồi nhưng phía sau là ngập đầy màu hoàng hôn úa vàng cũng như đồng cảm với nỗi lòng của người. Nỗi đau đã nén chặt, chôn chặt rồi nêm lại tạo nên hình khối, nhức nhối không nguôi nơi tâm khảm người nam tử. Một cuộc chia tay như thế mới thực là một cuộc đấu tranh gay gắt giữa tình cảm với ý chí trong trái tim một người vì nghĩa mà vẫn muốn vẹn tình.

Cuộc chia li nào cũng có nỗi đau riêng buồn riêng của nó. Khi xưa, Lí Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên ở dòng Trường Giang lòng đã bâng khuâng, bịn rịn, mênh mang lắm:

Bóng buồm đã khuất bầu không

Trông theo chỉ thấy dòng sông lên trời

Người chinh phụ trong thơ Đoàn Thị Điểm khi tiễn chồng ra trận lại càng xót xa, tủi phận:

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Ngàn dâu xanh ngắt một màu

Lòng chàng, ý thiếp ai sầu hơn ai?

Nhưng những cuộc chia tay như thế dẫu sao vẫn có sự san sẻ của cả người đi lẫn kẻ ở. Còn người nam tử trong thơ Thâm Tâm dù đã cố tách bạch mình thành người đi, kẻ ở vẫn phải ngỡ ngàng nhận ra mình đang đưa tiễn chính mình, đang từ biệt chính mình. Giật mình là bởi nhận ra mình đã đi rồi nhưng giật mình cũng là cố chấp nhận một sự thật: chỉ có một mình ta. Bài thơ như được trùm lên cái nhạt nhòa, hư ảo, một gam màu thường được sử dụng trong những cuộc chia li. Không ở bến sông, không có con đò, không người đưa tiễn, chỉ có người ra đi với giông bão trong lòng. Cái tình chia li trải xa, tràn ngập, bao trùm câu chữ. Đọc ở đâu cũng thấy nỗi buồn, cũng thấy sự giằng co, thấy quặn lên. Đó là nỗi đau đầy ấn tượng, một nỗi đau nặng trĩu và mạnh như khí tiết của một nam nhi đại trượng phu. Mới đọc cứ ngỡ người đi và người ở lại là hai, ngẫm ra thì có một sự thống nhất, gắn bó như một.

Đối tượng chia li chỉ là một yếu tố nhỏ, góp phần làm nên cái hay cho bài thơ. Nhưng chính điều đó ở đây lại đóng vai trò quyết định tình cảm của cuộc chia li, nó quán xuyến, thống nhất và giao hòa các ý thơ để đạt đến một độ nhuần nhuyễn tuyệt vời, trở thành nét hồn, cái thần cho bài thơ.

Tống biệt hành mang những nét đặc trưng của thơ Thâm Tâm, cứng cáp, mạnh mẽ nhưng vẫn nặng chữ tình. Cái tình chia li dù đã nén lại nhưng vẫn có sức sống dồi dào, làm xúc động lòng người. Khổ thơ đầu là một sự gợi mở cho tình cảm ấy:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Bóng chiều không thắm, không vàng bọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Chỉ với bốn cầu mở đầu mà bài thơ gợi lên được đầy đủ thông tin cho một cuộc chia li. Không gian là một không gian tự do, không xác định, có thể là ở một nơi nào đấy, nhưng không phải ở nơi bến sông. Thời gian là buổi hoàng hôn với cái tình của người ra đi đọng trong sắc màu của cảnh: “không thắm, không vàng vọt” "đầy hoàng hôn trong mắt trong" và âm thanh tưởng tượng “có tiếng sóng ở trong lòng”.

Chia li là một đề tài quen thuộc trong thơ. Những cuộc chia li xưa nay dù có cái khác biệt về tình cảm nhưng đều có chút tương đồng trong cảnh vật. Một gốc đa, một bến đò, con sông, một buổi chiều đượm u buồn... tất cả những yếu tố đó đã trở thành bút pháp ước lệ trong thơ trung đại. Không có những yếu tố ấy, thơ trung đại dường như không mang được sắc thái và sức sống tiêu biểu của mình. Đến Thâm Tâm, đề tài chia li của thơ Việt Nam đã có một bước chuyển mới. Cũng nói đến sông, đến hoàng hôn đấy nhưng nhà thơ đều đặt chúng ta trong tình thế phủ định: “Không đưa qua sông”, “bóng chiều không thắm, không vàng vọt”. Dù cuộc tiễn đưa này có diễn ra trong một buổi chiều như ở thơ xưa vẫn thường nói đến đi chăng nữa thì đó cũng không phải là buổi chiều ảm đạm, thê lương, của nỗi đau chia cắt. Màu hoàng hôn “trong” được cảm nhận qua đôi "mắt trong”. Một cách nói hoàn toàn khác lạ với những gì mà các bậc tiền bối đã từng bộc lộ trong thơ chia li. Không có tất cả những yếu tố cần thiết theo quan niệm bấy lâu nhưng cuộc đưa tiễn trong thơ Thâm Tâm vẫn diễn ra, đằm thắm tình người. Phủ định “không” chỉ để khẳng định một chữ “có”, có tình cảm chia li.

Khổ thơ đặt ra hai câu hỏi, chỉ đặt ra mà không có đáp lại, không cần sự trả lời. Phải chăng đó chính là tiếng lòng của người trong cuộc, một sự chất vấn, đau đớn diễn ra trong lòng mình?

Mỗi câu hỏi trong khổ thơ đều có sự đối lập và gợi mở cho nhau, “Đưa người ta không đưa qua sông”, câu thơ không gợi hình ảnh, âm thanh, chỉ gợi không gian vô định. Nhưng vả chăng đó chỉ là cái cớ để người ra đi đặt ra câu hỏi:

Sao có tiếng sóng ở trong lòng?

Âm thanh trong câu thơ thứ hai này không phải là một âm thanh thực mà là “tiếng sóng” của lòng người, nghĩa là ra đi không phải ở chỗ có thể gợi nỗi buồn nhưng lại mường tượng ra nỗi buồn tất yếu khi chia tay ở đó. “Có tiếng sóng ở trong lòng” là cái rộn rạo, giông bão đang diễn ra trong tâm lí người đi. Tôi nghĩ đến một tình huống tương tự trong thơ:

Vừa thoáng tiếng còi tàu

Lòng đã Nam, đã Bắc.

(Mùa hoa doi-Xuân Quỳnh)

Xuân Quỳnh là người đàn bà đa cảm, cuống quýt đến mức chỉ mới nghe một âm thanh thôi đã tưởng tượng ra cả cuộc phân li, chia biệt, sự xa cách muôn trùng “Lòng đã Nam, đã Bắc”. Người nam tử trong thơ Thâm Tâm đã chấp nhận trước một cuộc chia li hiển nhiên nhưng vẫn không tránh khỏi cái đa cảm ấy. Người ra đi chấp nhận cuộc chia li mà vẫn ngỡ ngàng về tình cảm diễn ra trong lòng. Những tưởng “không đưa qua sông” là có thể thanh thản, dứt khoát ra đi nhưng vẫn cảm nhận thấy cái nôn nao, như từng lớp sóng cần lên nơi tâm khảm. Hỏi mà thực ra là tự trả lời, là đã nói được tiếng lòng chia li rồi.

Kết cấu đối lập lại được tái hiện trong hai câu thơ tiếp:

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Thời gian được mở ra ở câu đầu, nhưng là thời gian không sắc thái “không thắm, không vàng vọt” Màu sắc của buổi hoàng hôn chỉ thực sự được nói đến ở câu sau: “hoàng hôn trong mắt trong”. Màu trong thường không gợi một hình dung cụ thể, nó chỉ có thể diễn tả được cái bâng khuâng, mơ màng của trạng thái cảm xúc mà thôi. Nhưng màu trong buổi hoàng hôn “ trong mắt” của một cuộc chia li thì đã đượm buồn rồi đó, nỗi buồn trong suốt, không vẩn đục và lặng lờ tưởng chừng có thể sờ được, nắm bắt được. Ánh mắt chia li trở nên vô hồn, xa xăm. Ta bắt gặp ở đó cái man mác chứ không cuộn, nổi như ở câu thơ trước đó. Song, ngẫm ra cái đau buồn ấy dễ thấm sâu vào lòng người lắm, nhất lại là một ánh mắt của sự tưởng tượng. Người ra đi đang đối diện với chính nỗi buồn trong mắt mình. Câu thơ còn lắng cả chút xót xa, cay đắng. Dù vẫn có đủ lí trí để nắm bắt được trạng thái tình cảm của mình nhưng người đi vẫn hiểu đó là điều không thể tránh khỏi trong cuộc chia li tất yếu này. Nhịp thơ 4/1/2 (Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong) làm cho câu thơ chững lại. Tình cảm mở ra “Sao đầy hoàng hôn”, được nén chặt “trong”, rồi lại trào ra và trải theo màu trong của mắt, lan theo cái ngập đầy của hoàng hôn: “mắt trong”. Nỗi xót xa như bủa vây, mở khắp không gian xung quanh và được thu vào tầm mắt khiến cho đôi mắt trong ấy đượm một nỗi buồn khó tả. Đó cũng là chút bâng khuâng, khó hiểu trong thơ Thâm Tâm vậy.

Cuộc chia tay nào cũng đọng lại trong lòng người những nỗi đau. Có nỗi đau nói được bằng lời, cũng có nỗi đau chỉ có thể cảm nhận bằng giác quan. Người ra đi trong thơ Thâm Tâm dù đã cảm thấy tiếng sóng trong lòng, màu hoàng hôn trong mắt mà vẫn băn khoăn: “Sao có”, “Sao đầy”... vẫn cảm thấy trong lòng có chút gì trống trải, hoang vắng. Vần “ong” trong khổ thơ gợi nên vòng tròn trống rỗng trong lòng người ra đi. Đó là cái chỉ có thể hiểu mà không thể nắm bắt, diễn tả. Từ nỗi đau cuộn trào khổ thơ trầm xuống, mang một nỗi buồn man mác, thấm sâu và lắng đọng những xót xa, cay đắng khôn nguôi. Dù dữ dội hay lặng lẽ, nỗi buồn của người ra đi vẫn là sự ý thức rõ về mình, về cuộc chia tay. Có một xác định rõ nét về thời gian ở các khổ thơ trong bài:

Ta biết người buồn chiều hôm trước

Ta biết người buồn sáng hôm nay

Nghĩa là cuộc chia li này đã được định trước. Biết mà vẫn phải ra đi, mà đến lúc chia li vẫn ngỡ ngàng. Đó là nỗi đau của người không thể cưỡng lại với quy luật, với cái tất yếu trong đời mình.

Một cuộc chia li như thế đã diễn ra từ hơn bốn mươi năm trước nhưng đọc Tống biệt hành ta có cảm giác như nó mới chỉ đâu đây thôi, cũng có thể là đang diễn ra quanh ta. Bởi người đi đã đi nhưng lòng thì ở lại, bài thơ đã cũ nhưng tình thơ thiết tha, cháy bỏng. Làm sao có thể dửng dưng trước một cuộc chia li sâu sắc như thế?