BÀI LÀM

... Là tiếng thơ của lẽ sống, lí tưởng nên thơ Tố Hữu cũng đậm chất sử thi. Chất sử thi của thơ Tố Hữu được thể hiện trước hết ở cảm hứng. Cảm hứng thơ ông thường nghiêng về những vấn đề chung của dân tộc, đất nước. Hồn thơ ông rung động với những đổi thay, thăng trầm của đất nước. Ông làm thơ về đất nước ngày khởi nghĩa, ngày có giặc, ngày ra trận, ngày chiến thắng... Buồn vui thơ ông cũng là buồn vui của đất nước:

Tố Hữu vui cùng niềm vui đất nước đổi thay:

Xuân ơi xuân, em mới đến dăm năm

Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội

(Bài ca xuân 61)

Tố Hữu đau xót, băn khoăn vì đất nước chia cắt:

Mười sáu năm rồi nửa ta máu ứa

Biết mấy mẹ già chống cửa trông con

(Tuổi 25)

Thơ Tố Hữu ít nói về riêng tư, nếu có đề cập đến cũng trên cơ sở cái chung của đất nước, của dân tộc. Ông nói về trái tim tình yêu nhưng là tình yêu “anh dành riêng cho Đảng phần nhiều”, “phần cho thơ” rồi mới đến “phần để em yêu”. Có khi ông nói về “ba con tôi đã ngủ lâu rồi” nhưng liền ngay đó lại nghĩ đến “còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi” và “miền Bắc thiên đường của các con tôi”... Có khi nào niềm vui, nỗi buồn của thơ Tố Hữu lại không gắn với niềm vui, nỗi buồn của đất nước. Đó là những cảm hứng rất sử thi.

Chất sử thi của thơ Tố Hữu còn được thể hiện khá rõ ở hệ thống nhân vật của thơ ông. Ông thường viết về những con người bình thường nhưng lại mang tầm vóc của dân tộc, của thời đại. Đó là hình ảnh của những người mẹ, người vợ, những anh giải phóng quân, chị dân công, em bé liên lạc... Đó là những người như mẹ Tơm “Sống trong cát, chết vùi trong cát” nhưng lại mang tầm vóc của “Những trái tim như ngọc sáng ngời”. Đó là những người như anh Trỗi chỉ là một người thợ điện bình thường nhưng lại có những phút làm nên lịch sử, là con người của “chân lí sinh ra”. Đó là những anh giải phóng quân “áo vải chân không đi lùng giặc đánh” (Hồng Nguyên) nhưng lại mang dáng dấp của những “Thạch Sanh thế kỉ hai mươi”. Đó còn là hình ảnh của Bác Hồ với chiếc áo nâu giản dị nhưng lại là biểu tượng của đất nước:

Bác ngồi đó, lớn mênh mông

Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non

(Sáng tháng năm)

Những con người bình thường trong thơ Tố Hữu đã được lí tưởng hóa để mang tầm vóc đại diện cho cả dân tộc, đất nước. Cho nên có thể nói đó cũng là những nhân vật rất sử thi.

Chất sử thi của thơ Tố Hữu còn được thể hiện khá rõ nét ở cái tôi trữ tình. Đó là cái tôi mang tính chất đại diện cho dân tộc, cho giai cấp, cho thời đại. Cái tôi ấy dù xuất hiện dưới dạng là anh, là tôi, hay chúng ta, chúng tôi... thì trước sau đều mang ý nghĩa chung, đại diện.

Ngay từ buổi đầu làm thơ, cái tôi của thơ ông đã mang ý nghĩa của cái ta:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

(Từ ấy)

Sau này, cái tôi trữ tình trong thơ ông chủ yếu bộc lộ dưới dạng cái ta. Đó là một cái ta nhân danh dân tộc, nhân danh thời đại. Ông nhân danh dân tộc khẳng định con đường đi tới của cách mạng:

Ta đi tới, không thể gì chia cắt

Từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau

Trời ta chỉ một trên đầu.

Bắc Nam liền một biển

(Ta đi tới)

Ông nhân danh lẽ phải, nhân danh công lí, nhân danh thời đại khẳng định sức sống Việt Nam, ý chí Việt Nam:

Thiếu tất cả, ta rất giàu dũng khí

Sống, chẳng cúi đầu. Chết, vẫn ung dung

Giặc muốn ta nô lệ, ta lại hóa anh hùng

Sức nhân nghĩa mạnh hơn cường bạo

(Tuổi 25)

Có thể nói từ cái tôi trữ tình cho đến cảm hứng, từ đề tài cho đến nhân vật, thơ Tố Hữu đều thấm đẫm chất sử thi hào hùng của một thời.