BÀI LÀM
Mùa thu luôn luôn trở về cùng thơ ca. Người ta vẫn thường ít quên trong thơ Pháp thế kỉ XIX: Mùa thu (Lamactin); Thu ca (Bodole); Thu khúc (Veclen)...; trong Đường thi - của Bạch Cư Dị chẳng hạn: Tảo thu độc dạ; Thu mộ giao cư thư hoài; Thu giang tống khách; Thu sơn...; trong thơ cổ Việt Nam, của Nguyễn Trãi: Thôn xá thu châm; Thu dạ lữ cảm, Thu dạ khách cảm, Thu nhật ngẫu thành...; Nguyễn Du: Thu chí (2 bài); Thu dạ; Thu nhật kí hứng; Sơ thư cảm hứng...; Ngô Thì Nhậm: Thu tứ tứ tuyệt; Thu hồi; Tống thu; Tích thu...; trong thơ ca lãng mạn Việt Nam: Gió thu; Cảm thu tiền thu; Đêm thu... (Tản Đà); Tiếng thu; Khi thu rụng lá (Lưu Trọng Lư); Thu; Thu rừng (Huy Cận); Thu (Chế Lan Viên); Cuối thu (Bích Khuê); Buồn thu (Hàn Mặc Tử); Chiều thu (Nguyễn Bính)...; và Xuân Diệu với: Thu; Ý thu và Đây mùa thu tới... .
Mùa thu luôn luôn trở về cùng thơ ca như vậy vì các thi nhân với tâm hồn nhạy cảm đã sớm nhận ra trong cảnh sắc mùa thu một thông điệp của đất trời: Thời gian đang trôi, đang trôi nhanh... Mùa thu như “giờ đã điểm” (Vaclen - Thu khúc) ở một “nơi xuất phát” (Bôđơle - Thu ca) nhiều khi đã trở thành một phương tiện đo đếm thời gian: “Đã mấy thu nay để lệ nhà - Duyên nào đeo đẳng khó chẳng tha” (Nguyễn Trãi - Ngôn chí VII), hoặc: “Lòng người một sự yểm chung một - Đèn khách mười thu lạnh hết mười” (Nguyễn Trãi - Tự thuật IX). Đơn vị đo đếm thời gian này có khi còn được phân chia nhỏ hơn: “Vàng bay mấy lá năm già nửa... - Hồng bay mấy lả năm hồ hết” (Tản Đà - Gió thu)... Với lẽ “xuân thu nhị kì”, cảnh sắc đổi thay của tạo vật mùa xuân cũng tạo ra tín hiệu thời gian, nhưng sinh lực xuân tiết dễ làm con người khuây khỏa nỗi niềm: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”, nên chỉ khi “thu chí”, “thu hồi” vạn vật xao xác tiêu sơ: “Gió thu hiu hắt – Sương thu lạnh - Trăng thu bạch - Khói thu xây thành” (Tản Đà - Cảm thu tiền thu) loan báo một năm sắp tàn thì con người mới dễ cảm nhận thấm thía về “kiếp phù sinh”. Do đó, trong nhiều bài thơ đề tài thu, thị tứ “thu chí”, “thu hồi” (thu đến, thu về – tức là: Đây mùa thu tới) thường gắn liền với nỗi buồn tóc bạc: “Trù trướng lưu quang thôi bạc phát - Nhất sinh u tứ vị tầng khai” (Nguyễn Du - Thu chí) (Ngày tháng trôi mau buồn tóc bạc - Nỗi riêng u uất chưa từng khuây), hoặc: “Lão lại bạch phát khả lân nhữ - Trú cửu thanh sơn vị yếm nhân” (Nguyễn Du - Thu dạ) (Già theo tóc bạc riêng thương đó – Lòng gửi non xanh chửa chán đây).
Từ hiện tượng tâm lí phổ biến trên, ta dễ hiểu tại sao tác giả Thơ thơ, người vẫn thường sống cuống quýt trong nghịch lí vừa muốn tằn tiện sắc hương trời tặng hảo:
Ta muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Ta muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
lại vừa đam mê hưởng thụ vội vàng hối hả:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
(...) Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
đã không thể không sững sờ và sầu bị trước cảnh thu về.
Trước bóng dáng thu, nhà thơ như e ngại mà thông báo với mọi người: “Đây...”. Đây là chuyện gì vậy? - Đây mùa thu tới... Từ đó, ống kính thơ của tác giả ngập ngừng quay trung cảnh: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” . Cây cỏ cùng con người đều “đìu hiu” và đành “chịu”, nghĩa là đành chấp nhận cái “tang” của một chuỗi tháng ngày. Từ trung cảnh chuyển sang cận cảnh và đặc tả: “Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”... Tiếp theo, ống kính thơ như trượt lùi mà quay lia toàn cảnh cùng với những lời thuyết minh có nhạc nền là một giai điệu điệp khúc ngậm ngùi:
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
Theo tâm lí chung của con người: áo khăn đổi khác hẳn đi thì ít buồn, áo phai màu buồn hơn nhiều (cũng như hấp hối não lòng hơn tắt thở, buổi chiều gợi sầu hơn đêm khuya...). Mảng màu phai vàng này đồng thời cũng biểu thị cái đặc trưng cơ bản của bút pháp thơ tạo hình trong toàn bài Đây mùa thu tới: tất cả những gì tác động đến giác quan con người ở đây đều chứa đựng các thông báo mang tính vi lượng: nhiều cái có giá trị trong đời sống đang bị hủy diệt, đang bị lụi tàn, đang bị giá lạnh... có nghĩa tất cả tổn thất chỉ mới “khởi sự”: không phải mọi đóa hoa đều rụng mà chỉ “Hơn một loài hoa đã rụng cành”; mọi tán cây xanh không phải đã tuyệt diệt mà sắc xanh của lá tươi chỉ mới bị màu đỏ của lá khô “rũa” cho mỏng dần không phải tất cả các cành cây đều khô héo, chỉ mới “đôi nhánh khô gầy”; không phải luồng gió nào cũng lạnh lẽo, mà rét mướt mới chỉ ngấm ngầm “luồn trong gió”; và “Đã vắng người sang những chuyến đò" chứ cảnh tượng sông nước chưa đến mức “vắng hết người sang những chuyến đò...”. Tính giao mùa hấp hối đó của cảnh vật đã được tái hiện một cách thấm thía nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của những vùng mờ ngữ nghĩa có công năng nghệ thuật như những mảnh nhòe thủy mặc (mực nước) trên nền giấy xuyến chỉ mềm xốp đượm tình: “Áo mơ" là áo thế nào? “Những luồng run rẩy” là những luồng gì? “Đã nghe rét mướt” là cơ quan xúc giác đã lắng nhận được những âm thanh ra sao?... Khả năng lựa chọn chính xác đối tượng tái hiện (nhưng cái có giá trị trong cuộc sống đang bị lụi tàn) được sự giúp sức thành công của những mảng mầu nhòe cổ họa khiến bài thơ đồng vọng thêm âm hưởng bị kịch (theo định nghĩa của Lỗ Tấn: “Bi kịch mang lại cho người ta xem những cái gì có giá trị trong cuộc sống mà bị hủy diệt”). Một điều khá lí thú là âm hưởng bi kịch có tính “cổ điển” của bài thơ đã có thể dung hòa nhuần nhị với những sắc tố “hiện đại” theo ngữ điệu phương Tây: “Hơn một loài hoa”, “sắc đỏ rũa màu xanh”...
Như vậy, nếu cách chúng ta khoảng hai trăm năm, Trúc Lâm đệ tứ tổ Ngô Thì Nhậm trước sự trở về của mùa thu, nhận thức rõ tính “bóng ngựa trắng qua khe cửa” của thời gian cùng sự phù du của sinh mệnh, từ đó định hướng được một nét lớn trong việc tu dưỡng nhân cách: “Khả tu mãn phúc đồ minh thế - Hà tự cao chi nhất tiểu cầm” (Thu tứ tuyệt) (Đáng thẹn lòng đầy danh vọng hão – Thua con chim nhỏ đậu cành cao) thì bài Đây mùa thu tới cùng thi tứ “Nhân sinh vô kỉ hà” (Bạch Cư Dị) (Người ta sống có bao lâu) mặc nhiên cũng sẽ đối thoại và tâm sự được với người đọc về triết lí nhân sinh cao nhã ấy.
Đây mùa thu tới không bộc lộ trực tiếp nỗi buồn tóc trắng (bạch phát), nhưng không che giấu mối sầu cô quạnh: bầu trời cô đơn, đến nàng trăng kia cũng không còn biết ngẩn ngơ cùng ai mà đành phải tự ngẩn ngơ; mặt đất cô đơn vì người không đoàn tụ, chim chóc chia lìa... Bài thơ từ từ khép tứ theo thi pháp để ngỏ: ít nhiều thiếu nữ cô đơn kia “nhìn xa”: nhìn nơi đâu? “Nghĩ ngợi gì”: nghĩ về đâu?... Thủ pháp kết thúc để ngỏ đã gây được cảm hứng đồng sáng tác và nỗi u buồn vương vấn không nguôi trong tâm trí người đọc. Hình bóng thơ những kiếp cô đơn tội nghiệp thấp thoáng rồi mờ dần như vậy phải chăng đã chứa đựng thêm một lời khuyên nhủ mang tinh thần nhân bản: những “cái tôi” bản lại lẻ loi nơi trần giới hãy xích lại với nhau đặng cùng hóa giải cảnh huống “cô thân chích ảnh” (một mình một bóng) chứ không đến nỗi phải “Nâng chén mời trăng sáng - Đối bóng thành ba người”! (Cử bôi yêu minh nguyệt - Đối ảnh thành tam nhân - Lí Bạch).
Thơ Đây mùa thu tới như bức tranh lụa cổ hòa sắc lạnh, thiếu nụ cười ấm áp, nhưng mặc nhiên ẩn tàng một ý vị triết luận bổ ích; thêm nữa: hình ảnh mùa thu buồn mà nên thơ nên họa trong tác phẩm không phải không liên quan đến cảnh quan thiên nhiên mĩ lệ của đất nước người Việt - Hồn dân tộc hiện ra mà chẳng nói của bài thơ phải chăng là ở điều đó?