BÀI LÀM

Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước bằng mọi cách lợi dụng thực dân Pháp, hủy bỏ chế độ Nam triều, cải cách đổi mới mọi mặt, làm cho dân giàu nước mạnh, trên cơ sở đó tạo nền độc lập quốc gia. Do đó, năm 1907 khi Chính phủ bảo hộ chủ trương thực hiện chính sách khai hóa, Phan Châu Trinh muốn theo đó để tiến hành con đường cứu nước của mình. Có thể hình dung Phan Châu Trinh viết Thư gửi Chính phủ bảo hộ trong tâm trạng ngổn ngang bao cảm xúc, suy tư. Ông căm ghét bọn quan lại An Nam xấu xa, hèn mạt. Ông xót xa thương cảm trước cảnh đồng bào mình phải chịu bao nỗi khốn khổ chất chồng. Ông thấy được sự thâm hiểm của bọn thực dân, đồng thời lại hi vọng với chủ trương của người Pháp, dân trí sẽ được nâng cao, công thương kĩ nghệ phát triển, đất nước bước vào thời kì hưng thịnh, phồn vinh.

Qua Thư gửi Chính phủ bảo hộ, có thể hình dung một số nét chính về xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX. Bức tranh toàn cảnh là một màu u ám, ảm đạm. Thực dân Pháp dùng sưu cao thuế nặng để bòn rút, vơ vét của cải, lại “dùng quan lại An Nam để áp chế dân An Nam”. Đó là kế sách rất thâm độc dùng người bản xứ để trị người bản xứ. Bọn quan lại phong kiến, tay sai của thực dân Pháp đã hèn mạt, bất tài lại vô cùng tham lam, tàn ác. Đó là những kẻ “ngoài các việc truyền mệnh lệnh cùng sưu dịch ra, không còn biết một chút gì”, chính chúng, “nhờ oai thế của Chính phủ bảo hộ mà gây nên tội ác với dân cũng đã sâu rồi”. Dưới ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân phong kiến, “Dân nước Nam ngày nay như một thứ dân gần chết rồi... sau thuế phiền nhiễu, tài trời ách nước luôn, sinh kế đã cùng, họa hoạn theo mãi, cùng cực khốn khổ không còn biết thế nào”. Việc thay đổi xã hội ấy là yêu cầu cấp thiết và tất yếu.

Đọc Thư gửi Chính phủ bảo hộ, người ta cảm động về tấm lòng yêu nước của một nhà chí sĩ giàu nhiệt huyết. Bọn quan lại An Nam tham tàn, thối nát là do thực dân Pháp dung túng. Dân nước Nam lầm than cơ cực là do chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp. Vạch trần bộ mặt bọn quan lại, nêu lên nỗi khổ của dân Nam cũng chính là tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Việc làm đó ẩn chứa hiểm họa khôn lường, vậy mà Phan Châu Trinh không hề sợ hãi, dũng cảm nói lên những “phẫn uất đầy bụng”, lại dám thách thức “cứ đem tôi mà trị vào cái tội hủy báng cho thật nặng”. Dũng khí ấy chỉ có ở những người luôn vì nước quên mình. Tuy nhiên, người ta thật khó đồng tình với con đường cách mạng của ông. Việc Phan Châu Trinh muốn dựa vào Chính phủ bảo hộ để thanh trừng bọn quan lại An Nam, nâng cao dân trí, mở nhà học, đổi hình luật, chấn hưng công thương kĩ nghệ v,v... tất cả chỉ là ảo tưởng. Trong hoàn cảnh đương thời, chỉ có một con đường duy nhất đúng đắn để cứu nước, đó là con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Có một người trẻ tuổi cùng thời với Phan Châu Trinh đã tìm ra con đường ấy, đó là Nguyễn Ái Quốc.