BÀI LÀM

Tác giả bài Tràng giang tỏ ý phiền lòng khi thấy có một chữ trong bài thơ của mình tái bản mười lần thì đến chín thường in sai: “Hai chữ dợn dợn của tôi thường bị đọc sai in thành dờn dợn, như thế chẳng có ý nghĩa gì" Nhưng mọi cuốn từ điển tiếng Việt lại đều không có từ điệp âm dợn dợn mà chỉ có dợn (rợn) có nghĩa là nổi lên như sóng, như vân trên gỗ... “Dợn dợn" là một chữ mới được nhà thơ chế tác.

Thật ra đôi mắt người đọc Tràng giang có thể nhìn sai (rồi in sai), nhưng cái tâm thẩm mĩ của họ, sự cảm nhận toàn khối của họ đối với bài thơ có lẽ không lầm. Số là cách phát âm từ lấp láy dờn dợn rất gần (nhất là đối với người miền Bắc) với rờn rợn (sợ hãi), thậm chí: rởn (sợ đến lạnh người). Độc giả bài Tràng giang khi để cho toàn khối bài thơ “ập vào tâm trí trong một giây” (chữ của Sekhốp) đã thu nhận được một tín hiệu tổng hòa: con người trong bài thơ đã rờn rợn trước những cái vô cùng trời rộng, “Trời lên sâu chót vót cùng lớp lớp mây cao”... rờn rợn trước cái vô biên: “sóng gợn” sông dài “điệp điệp”, mênh mông không một đò ngang nối liền đi “bờ xanh tiếp bãi vàng”, triều nước thì vời vợi ngoài tầm mắt... cuối cùng, rờn rợn trước cái vô định: trên trăm ngả sóng vật vờ một cành củi khô lạc nẻo cùng những mảng bèo lênh đênh trôi dạt... Độc giả “đọc sai” - với ý nghĩa tiếp thu một tứ thơ hàm nghĩa như vậy – là vì chính họ cũng rợn, là thuận theo một phản xạ tâm lí phổ biến: con người thường cảm thấy nhỏ bé, thậm chí bất lực mà rờn rợn trước cái vô giới hạn của không gian (Vũ) và thời gian (Trụ): “Ai người trước đã qua - Ai người sau chưa đẻ – Nghĩ trời đất vô cùng - Một mình tuôn giọt lệ" (Tiền bất kiến cổ nhân - Hậu bất kiến lai giả - Niệm thiên địa chỉ du du - Độc thương nhiên nhi lệ hạ - Trần Tử Ngang); tương tự người ta thường rợn ngợp trước biển cả mù mịt không gian, hoặc trước những dãy mộ chí giữa nghĩa trang dẫn lộ về thời gian xa lắc... Chính tác giả Lửa thiêng cũng là một thi nhân có biệt tài trong việc thể hiện những rung cảm khó có thể tinh vi hơn về nỗi sầu ngun ngút trước không gian vô cùng: “Vi vu gió hút nẻo vàng - Một trời thu rộng mấy hàng mây nao” (Đẹp xưa), cũng như trước thời gian vô tận: “Ngàn năm sực tỉnh lê thê - Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu” (Chiều xưa)... Như vậy, những độc giả “đọc sai” thơ Huy Cận, phải chăng với cõi lòng hồn nhiên của mình, đã vượt qua ý thức nghệ thuật của tác giả, đặng bắt đúng cái bất giác của một con người. Cái bất giác của một con người ấy cũng là phản ứng của con người phổ quát – tạo nên một lực cuốn hút của bài thơ.

Những thước phim tài liệu nghệ thuật về tạo vật vô cùng vô hạn trong bài Tràng giang còn được sự hỗ trợ hiệu quả của yếu tố âm nhạc: trường giang được biến âm thanh Tràng giang để hai vận mẫu ang phối cùng nhau khiến cho sông dài thêm dài; rồi lối cấu trúc các bộ phận câu đăng đối: “Thuyền về nước lại...” “Sông dài trời rộng...” với hai câu có tính tiểu đối: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp - Con thuyền xuôi mái nước song song" tương tự các câu có kiểu cấu trúc đối xứng khác (loại câu có khả năng gợi tả một không gian rộng: bên này và bên kia, đàng trước và đàng sau...) khiến bầu trời và mặt nước còn rộng dài thêm biết bao nhiêu nữa... Chính cảm giác rờn rợn này của chủ thể lãng mạn, chứ không phải nguyên nhân gì khác, đã làm nảy sinh tâm lí nhớ nhà - vì trong buổi hoàng hôn ấy không hề có “trên sông khói sóng” (yên ba giang thượng) tạo điều kiện phản xạ gợi nhớ "hương quan” (cổng làng đường về quê cũ) như Thôi Hiệu tác giả Hoàng Hạc lâu thuở xưa. Nhớ nhà, muốn được trở về có mặt giữa gia đình ấm cúng, giữa quê hương thân thương là để hóa giải cái cảm giác rờn rợn của kẻ lâm nguy. Vì sao vậy? Vì gia đình quê hương thường có công năng là tổ, mà ở tổ thì từ bao đời xa xưa khi nào cũng có sẵn điều kiện, phương tiện giải nguy thoát hiểm. Thiết tưởng: lời khuyến dụ về lòng yêu quý gia đình, tinh thần gắn bó với quê hương xứ sở trong bài Tràng giang không phải là những dòng ý nghĩ lộ thiên đơn giản, mà là hiện tượng bộc lộ mặc nhiên những quy luật tâm lí thầm kín từ đáy thẳm tâm linh.

Tâm linh đã rờn rợn, lại thêm một nỗi u hoài. Bởi “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nên ba cõi trời, đất và người đã hắt bóng vào bài thơ những nét tử biệt sinh li: “Bóng chiều sa” (ngày tàn rồi); "vãn chợ chiều” (cảnh đông vui chẳng còn); “củi một cành khô” (cây xanh đã héo)... rồi “thuyền về nước lại” thì còn đâu sum họp; và đôi bến sông cô liêu không cầu nối, không một chuyến đò ngang gắn bó... có một con chim nào đó lẻ bạn nghiêng đôi cánh nhỏ giữa lúc hoàng hôn đổ xuống... Những nét bút thơ chấm phá tài tình hàm súc mà rõ nét đầy khơi gợi ấy phút chốc đã làm hiển hiện trước mắt người đọc một bộ tranh thủy mặc cổ kính mà hiện đại, dân tộc và dân dã... Thơ mới, đến giai đoạn Lửa thiêng quả đã nhuần nhị lắm rồi: Tràng giang là một trong những bài thơ tiêu biểu cho sự kết hợp thuần thục không ít yếu tố ưu mĩ của thơ ca cổ kim trong và ngoài nước.

Sóng gợn buồn, gió đìu hiu, bến cô liêu... là thần thái của đất trời mà cũng là nỗi niềm của con người. Trong cõi lòng này không phải không có những “...tủi nắng sầu mưa - cùng đất nước và nặng buồn sông núi” (Huy Cận - Mai sau), nhưng tứ thơ chủ yếu phải chăng vẫn là phản xạ mặc nhiên tự cảm tự tri về tính hữu hạn của kiếp người trước Thiên Địa vô thủy vô chung? Sự tự cảm tự tri này thật cần thiết đối với người đời, bởi vì một khi người ta ý thức sâu sắc được sự hữu hạn của “Trăm năm một giấc mơ màng” (Tản Đà), thì con người sẽ biết điều tiết dục vọng (nằm trong lễ tri túc, tri chỉ của người xưa); từ đó có thêm khả năng duy trì nhân phẩm... công năng tích cực “hồn nhiên” của tứ thơ lãng mạn tưởng như tiêu cực này phải chăng là ở đó?

Tràng giang, một trong những bài thơ thành công đặc sắc, “rất Huy Cận”, trong thi phẩm Lửa thiêng, với nét bút thơ chấm phá thần tình về tạo vật, và với đôi lời tâm sự nhẹ nhàng, đã có khả năng đối thoại thấm thía với người đọc về mấy lẽ nhân sinh mang tính lương và chất thiện. Ma lực của Tràng giang (cũng như của một số bài thơ đặc sắc khác thuộc dòng văn học lãng mạn) là đã thông qua hệ thống vi ba ngôn từ, làm rung động được những dây trời nhận tín hiệu tận đáy hồn người.