DÀN Ý

A. MỞ BÀI

Phê bình văn học đòi hỏi phẩm chất khoa học không tách rời phẩm chất nghệ thuật. Phẩm chất khoa học bộc lộ trước hết ở những luận điểm mới mẻ, sâu sắc, phản ánh được bản chất của sự vật. Luận điểm ấy lại phải được luận giải một cách chặt chẽ, khúc chiết, có tính thuyết phục cao. Còn phẩm chất nghệ thuật được bộc lộ trước hết ở những cảm xúc thẩm mỹ tinh tế, cảm xúc Lấy hóa thân thành giọng điệu tác giả, thành hình ảnh diễn đạt, thành lối dẫn dắt, thành thứ ngôn ngữ vừa chính xác, hàm súc và uyển chuyển gợi cảm. Cả hai bình diện ấy hòa hợp với nhau nhuần nhuyễn, sống động. Không phải ngòi bút phê bình nào cũng đạt được sự nhuần nhuyễn như thế. Hoài Thanh thuộc vào số ít ỏi những cây bút phê bình như vậy.

Đoạn trích này là đoạn cuối cùng của bài tiểu luận Một thời đại trong thi ca. Toàn bài là một công trình tổng kết khá thấu đáo về phong trào Thơ mới trên những bình diện quan trọng nhất của nó. Ở phần cuối cùng này, tác giả tập trung giải quyết vấn đề cốt tủy nhất là tinh thần Thơ mới. Luận điểm ở đây thật đặc sắc, mà văn phòng cũng kết tinh nhiều tinh hoa văn phê bình của Hoài Thanh.

B. THÂN BÀI

1. Luận điểm bao trùm cả đoạn trích này là vấn đề "tinh thần Thơ mới”. Nó được triển khai thành ba nội dung chính sau đây:

a) Giới thuyết nguyên tắc để xác định tinh thần của hai thời đại thơ:

- Không căn cứ vào cục bộ và cái dở của thơ mỗi thời.

- Phải căn cứ vào đại thể và cái hay của thơ mỗi thời.

b) Xác định tinh thần Thơ mới là chữ tôi, tinh thần thơ xưa là chữ ta:

- Giới thiệu chung về điểm giống và khác của chữ ta và chữ tôi.

- Xác định bản chất: ta là ý thức đoàn thể, tôi là ý thức cá nhân.

- Điểm qua về sự xuất hiện của chữ tôi và phản ứng của xã hội trong quá trình tiếp nhận nó.

c) Nhìn nhận sự vận động của Thơ mới xung quanh cái tôi và bi kịch của nó:

- Chỉ ra tính chất tội nghiệp của cái tôi trong thời đại mình.

- Các hướng lớn của Thơ mới đào sâu vào cái tôi.

- Điểm thiếu hụt trong ý thức của cái tôi.

- Bi kịch thời đại cái tôi và giải pháp cho bi kịch bằng lòng yêu tiếng Việt.

2. Để định nghĩa về Thơ mới trong đoạn trích này, Hoài Thanh đã có những bước lập luận chặt chẽ như sau:

Bước 1. Nêu nguyên tắc chung của việc định nghĩa là:

a) Chỉ căn cứ vào cái hay, không căn cứ vào cái dở.

b) Chỉ căn cứ vào đại thể, không căn cứ vào tiểu tiết.

(Cái dở và tiểu tiết không đủ tư cách để đại diện cho nghệ thuật và cho những thời đại lớn của nghệ thuật).

Bước 2. Nêu ra định nghĩa về tinh thần Thơ mới bằng cách đối sánh:

a) Tinh thần thơ cũ gồm trong chữ ta.

b) Tinh thần Thơ mới gồm trong chữ tôi.

(Có nói chỗ giống nhau, nhưng hướng trọng tâm vào chỗ khác nhau của hai chữ này).

Bước 3. Luận giải về nội dung và biểu hiện của hai chữ ta và tôi.

a) Chữ ta và biểu hiện cùng số phận của nó trong thời đại thơ cũ trước kia.

b) Chữ tôi và biểu hiện chữ tôi cùng số phận đầy bi kịch của nó trong thời đại Thơ mới này.

Như vậy qua ba bước trên, người ta thấy Hoài Thanh đã tuân theo trật tự: từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể, từ diện mạo (trong không gian) đến diễn biến lịch sử (trong thời gian). Các bước với trật tự ấy rất đảm bảo tính lô gích của tư duy. Vì vậy mà khả năng thuyết phục rất cao. Đây là một ưu thế của văn nghị luận...

3. Phong trào Thơ mới nảy sinh từ sự trỗi dậy của cái tôi đó: Chữ tôi và ta

- Nội dung của chữ tôi là ý thức cá nhân trong đời sống tinh thần con người.

- Nội dung của chữ ta là phần ý thức cộng đồng (chữ dùng của Hoài Thanh là “đoàn thể”) trong đời sống tinh thần của con người.

- Hai ý thức này là hai tiếng nói tồn tại trong mỗi người. Ở thời trước, cái ta lấn át hoàn toàn, cái tôi không có cơ để nảy nở, Còn thời đại này, cái tôi trỗi dậy giành quyền sống.

4. Cách dẫn dắt và diễn đạt

- Cách dẫn dắt mạch văn rất tự nhiên, linh hoạt và độc đáo, Tác giả không dùng lí để dẫn dắt ý, mà dùng tình để dẫn dắt ý. Mạch văn được dẫn dắt không phải bằng ngôn ngữ khái niệm với những phương tiện liên kết của lô-gíc hình thức, nặng tính tư biện ta vẫn quen gặp trong các bài phê bình văn học nghiêng về khoa học thuần túy. Trái lại, ông dẫn dắt ý chủ yếu bằng ngôn ngữ đời sống, nương theo mạch liên kết của cảm xúc thẩm mĩ. Có thể hướng dẫn HS tìm hiểu cách chuyển từ những ý lớn sang ý lớn, và từ những ý nhỏ sang ý nhỏ, với hệ thống các phương tiện liên kết biến hóa mà tự nhiên như thế nào.

- Diễn đạt bằng hình ảnh, bằng thứ ngôn ngữ ít mang tính khái niệm, bằng ấn tượng với cảm giác, cảm xúc rất tinh tế, uyển chuyển.

5. Đoạn văn từ “Đời chúng ta nằm trong dòng chữ tôi” đến “Ta ngơ ngần buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận” có gì đặc sắc?

- Đặc sắc của đoạn này là những khái quát rất chính xác, súc tích, lại được viết bằng một lối văn giàu hình ảnh và nhịp điệu. Điều đó khiến cho văn phê bình mà chẳng khác gì thơ.

- Phân tích trên hai bình diện:

+ Về ý tứ: Chủ đề bao trùm là nỗ lực đào sâu mà cũng là trốn chạy vào ý thức cá nhân của Thơ mới. Chủ đề được triển khai thành hai phần chính: một là, khái quát về hướng tìm tòi và hệ quả chung; hai là, điểm qua những gương mặt điển hình cùng những lãnh địa cá nhân điển hình của Thơ mới để thấy được sự phân hóa đa dạng cùng sự quấn quanh bế tắc của ý thức cá nhân.

+ Về văn phong: Chú ý đến dạng ngôn từ khi khái niệm (không phải là những khái niệm trừu tượng) dung dị dễ hiểu mà vẫn súc tích, diễn đạt được bản chất của đối tượng. Chú ý đến cách cấu tử: tạo ra hình ảnh một độc giả cứ theo chân của những nhà thơ tiêu biểu bước vào cõi thơ riêng của mỗi vị. Đặc biệt chú ý đến nhịp điệu hết sức dồi dào của đoạn thơ này.

C. KẾT BÀI:

Lòng yêu nước của các nhà Thơ mới

- Lòng yêu Tổ quốc của con người có những biểu hiện vô cùng phong phú. Có lòng yêu nước gắn liền với đấu tranh. Có lòng yêu nước gắn liền với lao động sản xuất. Lại có lòng yêu nước biểu hiện ở sự thiết tha với những giá trị văn hóa, ở nỗ lực sáng tạo ra những giá trị văn hóa.

- Lòng yêu nước của các nhà thơ mới nghiêng về dạng thứ ba. Tình yêu của họ thể hiện tập trung nhất ở lòng yêu tiếng Việt và nên thơ ca dân tộc, niềm say mê sáng tạo ra những giá trị văn hóa, trước hết là thơ ca. Họ muốn làm cho tiếng nói của nòi giống đẹp hơn, giàu hơn, ngày càng trường tồn, bất diệt. Đó cũng là một lòng yêu nước rất đáng trân trọng và ghi nhận.