HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Nhật kí trong tù có nhiều bài thơ viết về buổi chiều. Khoảng thời gian cuối cùng ấy đã trở thành thi hứng cho nhiều bài thơ của Hồ Chí Minh. Chúng ta gặp ở đây mọi chiều gió lạnh của buổi hoàng hôn với tiếng chuông chùa, tiếng sáo bay giục người nhanh chân bước (Hoàng hôn). Chúng ta cũng gặp ở đây buổi chiều hôm “Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm” nơi nhà lao huyện Tĩnh Tây “mờ mịt tối” (Chiều hôm). Chúng ta cũng gặp ở đây nỗi xót xa của một tấm lòng với cánh hoa tàn trong cảnh chiều hôm (Cảnh chiều hôm). Và một buổi chiều tối nào đó trên con đường tù đày thăm thẳm. Hồ Chí Minh đã xúc cảm mà nên thơ với một cánh chim bay, một áng mây trôi...

2.1. Bài thơ tả cảnh chiều. Người đọc bắt gặp ở đây bút pháp chấm phá quen thuộc của Hồ Chí Minh. Chỉ với vài nét mà Người đã gợi mở cho người đọc thấy cả một thế giới. Trong bức tranh của cảnh chiều ấy. Hồ Chí Minh chỉ vẽ một cánh chim bay về rừng tìm chốn ngủ, một áng mây trôi nhẹ giữa tầng không, nhưng cũng đủ để gợi ra một bầu trời cao rộng, trong trẻo, bát ngát, tĩnh lặng, cũng đủ để gợi lên nỗi bâng khuâng, xao xuyến của lòng người. Cánh chim nhỏ nhoi khiến cho bầu trời như rộng thêm ra, chòm mây lẻ loi (cô vân) trôi chầm chậm giữa tầng không khiến cho trời đất như càng bao la. Trước cái mênh mông vô hạn của vũ trụ lòng người bỗng man mác, bâng khuâng.

Mặt khác hình ảnh chim bay về rừng tìm chốn ngủ, chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không cũng khiến cho lòng người xao xuyến. Suốt ngày chim đi kiếm ăn, bây giờ về rừng tìm chốn ngủ là chim đang bay theo quy luật tự nhiên của loài chim. Mây trôi giữa trời là bay theo quy luật của ngàn đời này. Tạo vật đang vận hành theo quy luật của muôn đời, chỉ có người đi là chưa dừng chân. Cho nên nhìn cánh chim bay, nhìn áng mây trôi lòng sao khỏi bồi hồi, xao xuyến. Hóa ra câu thơ tả cảnh mà người đọc vẫn nhận ra một thoáng nao nao của lòng người.

2.2. Nhưng Hồ Chí Minh không để cho thoáng buồn ấy lấn át. Người tựa lòng mình vào ánh lửa chiều hôm, một ánh lửa làm ấm nóng cả bài thơ, cả lòng người.

Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Bài thơ chuyển từ bức tranh thiên nhiên sang bức tranh nhân sinh một cách thật tự nhiên. Hình ảnh cô em xóm núi và ánh lửa chiều hôm làm cho bức tranh chiều không còn vẻ hiu hắt, quạnh quẽ mà ấm áp hơi thở của sự sống. Đưa hình ảnh con người với công việc bình thường là xay ngô vào bài thơ thấm đẫm chất Đường thi, hình như Hồ Chí Minh không có ý định thi vị hóa cuộc sống, mà chỉ nhằm gợi lên một vẻ đẹp bình dị, tươi tắn của sự sống bình thường. Hình thức câu thơ thật giản dị, gần như một câu nói thường, không một chút trang sức, đẽo gọt nào. Câu thơ đi vào lòng người với tất cả vẻ đẹp khỏe khoắn và bình dị của nó.

Về mặt bút pháp, Hồ Chí Minh đã thể hiện những nét đặc sắc hiếm thấy: Mấy chữ “ma bao túc” ở cuối câu ba được lấy lại ở đầu câu bốn “bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”, không chỉ tạo nên câu thơ ngắt dòng rất lạ, mà còn tạo được láy âm nhịp nhàng, diễn tả được vòng quay không dứt của cối xay ngô, làm cho câu thơ đầy tính tạo hình. Nhịp thơ 4/3 ngắt nhịp ở sau chữ “hoàn” như còn diễn tả công việc xay ngô vừa kết thúc là cũng là lò than rực hồng (lô dĩ hồng). Cái hay của bài thơ là nhà thơ không hề dùng một chữ “tối” nào cả mà người đọc vẫn nhận ra đêm tối đang xuống nhờ ánh hồng của lò than.

Bài thơ tả cảnh chiều tối theo hướng vận động từ chiều đến tối, từ ngày sang đêm, nhưng không hề gợi lên sự tăm tối, tàn tạ, trái lại đầy ánh sáng và hơi ấm. Ánh sáng và hơi ấm của bài thơ được toát lên từ ánh lửa chiều hôm, từ nhịp điệu của cuộc sống con người và còn toát lên từ trái tim lạc quan, yêu đời của Hồ Chí Minh.

3. Chiều tối là bài thơ tả cảnh, nhưng người đọc lại nhận ra ở đấy có một tâm hồn biết nâng niu, trân trọng từ một áng mây trời cho đến một cánh chim bay, từ ánh lửa chiều hôm cho đến hình bóng con người. Tâm hồn ấy dù ở nơi đâu, dù hoàn cảnh nào cũng có thể khám phá những vẻ đẹp khác nhau để mà bồi hồi, mà xao xuyến.