BÀI LÀM

Truyện ngắn Người trong bao (1898) được viết trong thời kì chế độ nông nô chuyên chế ở Nga đang đi vào giai đoạn khủng hoảng nặng nề, trầm trọng. Để kéo dài những ngày tàn, chính quyền Nga hoàng đã ban hành nhiều chính sách cực kì phản động. Sau vụ Nga hoàng A-lắc-xăng rơ II bị ám sát ngày 1-3-1881, A-lắc-xăng-đơ III (trị vì 1881 - 1894) đã thẳng thừng tuyên bố tiếp tục duy trì chế độ nông nô chuyên chế, Pô-bê đô-nô-xép, một cận thần trung thành của Nga hoàng đã nói: “Vào thời gay go này, đối với chính phủ cần nhất là phải làm dịu đi các đầu óc, phải đè nén tư tưởng xã hội. Cần phải làm những việc đó với bàn tay cứng rắn”. Và để thực hiện điều đó, một loạt biện pháp cứng rắn đã được thi hành nhằm đàn áp những lực lượng đối kháng chính quyền, nhất là những người vô sản và trí thức tiến bộ. Báo chí tiến bộ bị cấm đoán. Giáo dục đại học bị hạn chế. Những tư tưởng mới bị bóp nghẹt. Chế độ nhà tù, cảnh sát mật thám, chỉ điểm được tăng cường. Một không khí ngột ngạt nặng nề bao trùm khắp nước Nga. Nhiều người hoang mang dao động, mất tinh thần. Tâm lí thất vọng, hoài nghi, lo sợ muốn bỏ đấu tranh, hậm chí muốn thỏa hiệp, đầu hàng nảy sinh. Có người gọi đó là “những năm xám xịt, ủ rũ" là “buổi hoàng hôn ảm đạm” của nước Nga. Cái không chí ngột ngạt đó đã được Sê-khốp tái hiện tài tình qua một kiệt tác: Phòng số 6, Khi đọc truyện này, Lê-nin (hai mươi mốt tuổi) có cảm tưởng: "Buổi tối hôm qua, đọc hết tôi thấy khiếp hãi. Tôi không thể ngồi một mình mà phải đi ra ngoài. Tôi có cảm giác hệt như mình bị giam trong phòng 6”. Truyện ngắn Người trong bao xuất hiện mang rất đậm dấu ấn thời sự của xã hội Nga thời kì này.