TÌM HIỂU ĐỀ

Đề bài yêu cầu bình giảng một khổ thơ trong bài thơ Tràng giang - một sáng tác rất tiêu biểu cho hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng. Về mặt phương pháp, khi bình giảng bất kì một đoạn thơ nào đó cần phải đặt nó trong chỉnh thể tác phẩm. Khổ thơ kết thúc này có vị trí đặc biệt quan trọng trong Tràng giang. Nó là tâm trạng được bộc lộ trực tiếp, là đỉnh điểm cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nó kết tinh nỗi buồn mênh mang, sâu lắng trong cả Tràng giang và từ đó toát lên ý nghĩa tích cực của bài thơ.

Khổ thơ này chứa đựng những tâm trạng, nỗi niềm của một cá nhân cô đơn trong những hình ảnh đậm màu sắc cổ điển. Hồn thơ Đường, hồn thơ Việt ở một thi sĩ Thơ mới giao hòa, gắn kết khắp cả Tràng giang, nhưng rõ nhất ở khổ thơ này. Ấy là nét cơ bản cần cảm nhận ra và làm sáng tỏ khi bình giảng khổ thơ.

DÀN BÀI

I- MỞ BÀI

- Đặc điểm bao trùm của tâm hồn thơ Huy Cận thời Lửa thiêng (1938): trĩu nặng sầu buồn. Vị trí của bài Tràng giang trong thơ Huy Cận thời kì ấy.

- Giới thiệu khổ thơ kết thúc Tràng giang. Khẳng định ý nghĩa quan trọng của nó trong toàn bài thơ.

II- THÂN BÀI

1. Hình ảnh thiên nhiên và tâm trạng nhà thơ ở hai câu trước:

- Bầu trời trên mặt tràng giang (không gian trên cao)

- Sự vận dụng thơ ca cổ điển: chữ “đùn” trong thơ Đỗ Phủ, hình ảnh cánh chim trên bầu trời buổi hoàng hôn.

- Sự kết hợp hai nét vẽ đối lập: hùng vĩ, bề thế “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc” và bé nhỏ, mảnh mai “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Từ đó gợi cảm giác về sự yếu ớt, cô đơn của mỗi sinh vật trong vũ trụ vô cùng vô tận.

2. Niềm nhớ quê, nhớ nhà da diết của một cá nhân đang lạc lõng, bơ vơ.

- Sự xuất hiện rất tự nhiên tâm trạng nhớ trong thời điểm cụ thể ấy.

- Nỗi nhớ thiết tha thành cảm giác, thành hình ảnh gửi gắm cụ thể qua các chữ “dợn dợn vời con nước”.

- Sự vận dụng ý thơ Thôi Hiệu ngày trước để bộc lộ niềm thương nhớ gia đình, quê hương.

- Không chỉ là nỗi nhớ của tình cảm riêng tư mà thực chất đây là niềm khát khao tình đời, tình người ấm áp trong cái xã hội lạnh giá lúc bấy giờ. Nội dụng cảm động của nỗi buồn trong Tràng giang chính ở chỗ đó.

III- KẾT BÀI

- Khẳng định ý nghĩa tích cực của tâm trạng nhân vật trữ tình trong khổ thơ và trong bài thơ Tràng giang. Nó gợi cho ta những rung cảm trong sáng trước vẻ đẹp buồn của thiên nhiên đất nước.

- Sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc cổ điển và màu sắc hiện đại, hiện tượng “bình cũ rượu mới” thú vị qua khổ thơ.