Rau khúc cũng là một loài rau đặc sản của vùng đất phù sa. Trong đồng cũng có, nhưng cây rau khúc mọc lên từ đất phù sa màu mỡ của dòng sông, cùng với nắng gió và không khí đặc biệt của dòng sông, tính chất của rau khúc mới thật đầy đủ hương vị thuần khiết của loài khúc.
Rau khúc có hai loại: Khúc nếp và khúc tẻ. Khúc nếp là loại nhỏ lá, mau cành hơn. Lá khúc nếp nhỏ như ngòi bút. Cây khúc tẻ lá to bằng đầu ngón tay, xanh hơn, lá ít lông hơn là khúc nếp. Những vạt rau khúc ở bãi non chưa ai động tay vào, chúng tôi là những người “hái vỡ” đầu tiên. Từng chòm râu trắng xóa, chưa ra hoa, trông từ xa đã nhận ra. Những ngọn rau, lá rau còn đọng sương đêm, lấp lánh ánh bạc. Ba chị em tôi và cả hai cô tôi, năm người chỉ đi quanh đầu bãi non một lúc thôi đã được miệng rổ.
Cô cháu chúng tôi đi hái rau thì ở nhà mẹ tôi giã bột. Trước đó, mẹ tôi đã lấy gạo ngâm nước theo lời bà chỉ dẫn. Cứ hai phần gạo nếp, thêm một phần gạo tẻ. Bột giã xong, rây thành bột nhỏ mịn. Rau khúc được mẹ tôi đem luộc kỹ cho chín rừ, đổ ra, lấy dao thái nhỏ xong mới cho vào cối giã. Rau giã xong, rút hết xơ rau già, trộn vào với bột, cũng cho vào cối giã cho hai loại rau và bột kết vào thành một thứ keo xanh xanh, dẻo quánh.
Nhân bánh bằng đậu xanh, đồ kỹ, cũng đem giã nhỏ thành một nắm to như quả bưởi. Thịt ba chỉ có trộn bột hồ tiêu và vẩy vào mấy giọt dầu cà cuống để riêng vào một cái liễn sứ. Xong đâu đấy, bà tôi sai mẹ tôi đem quả bột có lẫn rau khúc lăn trên mâm đồng có trải bột khô. Quả bột tròn hóa thành từng quả bột dài dài như quả mướp. Bà véo thành từng quả nhỏ như quả chanh, ấn lũm ở giữa, quả chanh lại hóa thành cái nồi xanh xanh, nhờ nhờ, giống như bọn trẻ chăn bò chúng tôi làm “pháo nổ, pháo nang” bằng đất, đập chơi với nhau ở ngoài bãi. Chỉ khác nhau là những quả bột rau khúc của bà và mẹ tôi không đem đập để gây ra tiếng nổ, mà mỗi quả bột ấy được ngậm một nhân bên trong bằng đỗ xanh, thịt và hành mỡ, cùng với dầu cà cuống thơm đến nhức mũi. Bánh nặn xong xếp ra lá chuối trải trên mâm đồng. Xong, tất cả mẹ tôi xếp bánh vào chỗ, xếp đến đâu mẹ lại rắc gạo nếp làm áo ngoài của bánh đến đấy. Cứ một lượt bánh, mẹ lại rắc một lượt gạo nếp. Và cuối cùng mẹ bắc nồi đáy đồ bánh như đồ xôi.
Trước đó, ông tôi đã cùng với bố tôi và các cô làm cơm cúng hóa vàng xong tất cả. Ông đứng trước bàn thờ khấn vái lầm rầm. Chẳng biết ông nói thầm thì những gì, chỉ nhớ lúc cuối cùng ông để hai đồng chinh reo leng keng trong lòng đĩa. Tôi tò mò đứng bên cạnh xem kết quả ra sao, tôi thấy hai đồng chinh nằm ngửa có mấy chữ nho. Ông lại cầm hai đồng chinh để vào hai đầu ngón tay như lúc trước và lại rì rầm khấn khứa, rồi lại tung hai đồng chinh trong lòng đĩa. Và ông cầm đĩa bằng cả hai tay vái mấy cái, đặt đĩa lên bàn thờ, bước xuống khỏi sập, ông nói: “Được rồi!” Ông cười, nói với bà: “Keo trước các cụ cười, keo sau các cụ gật...”
Cô tôi bưng lên một đĩa bánh khúc đang tỏa hơi. Mùi bánh thơm lan tỏa khắp nhà. Bà bầy đĩa bánh lên bàn thờ, rồi chính bà lầm rầm khấn vái. Xong, bà nói với mọi người: “Bình thường thì bánh khúc không ai cúng, nhưng hôm nay là ngày hóa vàng, của mới đầu năm, nhân có bánh, mời các cụ thưởng thức. Ngày xưa các cụ bà còn sống, cụ thích bánh khúc lắm...”Bà tôi định nói dài thêm nữa nhưng ông tôi gạt đi: “Thôi, thôi... bà lại..."
Sau mấy ngày tết, được ăn các loại bánh kẹo, mứt và những món khác đến phát ngấy lên được, thì bữa bánh khúc đầu năm quả là một món lạ. Lúc bà tôi đặt đĩa bánh lên bàn thờ, bọn trẻ chúng tôi đã muốn được ăn ngay. Nhưng phải đợi hết tuần hương, hóa vàng xong mới được ăn, khiến nỗi chờ đợi như kéo dài ra, sự thèm ăn đến nôn nao. Khi được ăn bánh, được tận hưởng cái hương vị đặc biệt của rau khúc. Mùi thơm thật khó tả, nó phảng phất như mùi đá phơi nắng hơi hoang dại của rừng cây. Ngạt ngào của hơi phù sa và hăng hăng nhẹ của chất diệp lục, họ hàng nhà hoa cúc. Thật khó tưởng tượng ra được. Đưa bánh lên miệng, hương vị bánh tỏa trước mũi, trên đầu lưỡi, muốn vội vàng nuốt cả cái mùi thơm ấy, kẻo nó bay vào không khí mất...
Chúng tôi lớn lên. Bao nhiêu mùa rau khúc đã qua, đã bao lần bãi non nổi lên rồi lại bị dòng nước cuốn trôi đi. Chị em tôi mỗi người đều có một cuộc sống riêng, cũng có nhiều niềm vui của những ngày Tết, đủ các thứ của ngon vật lạ của mùa màng. Những kỷ niệm về những bữa bánh khúc buổi đầu năm của thời bé thơ chẳng bao giờ có được nữa.
Ôi những mùa rau khúc của tuổi ấu thơ xa xưa! Xin cảm ơn cây...