“Nóp với giáo mang ngang vai..."
(Lời hát bài Nam Bộ kháng chiến)
Tiền thân nó là chiếc đệm bàng, tấm trải giường của người miền quê đồng bằng sông Cửu Long. Đệm bàng có mấy loại: đệm chiếc ngủ một người, đệm đôi rộng hai mét, ngoài ra còn có đệm manh cỡ nhỏ dùng cho bé sơ sinh.
Bàng là cỏ hoang, sinh trưởng nơi đầm lầy, cùng họ với lác (cói ở miền Bắc) Đồng Tháp Mười và vùng tứ giác Long Xuyên là nơi họ hàng có bàng hùng cứ xưa kia. Các vùng “láng” Tháp Mười, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên... bàng mọc san sát, mênh mông, như thể tấm thảm xanh khổng lồ trải rộng tận chân trời.
Thời Pháp thuộc, người miền quê sông Tiền, sông Hậu dùng đệm trải giường, phơi lúa, phơi đậu. Cả những nhà khá giả cũng thích đệm bàng. Bởi lẽ dáng vẻ dễ thương, giá lại rẻ và bền hơn chiếu. Dệt chiếu lắm công phu, phải có mặt bằng cho khung dệt. Đan đệm chỉ cần một khoảng trống trong nhà, ngoài sân đã đủ chỗ cho vài người ngồi đan. Người già, trẻ em mười ba mười bốn cũng đan được đệm. Nguyên liệu sẵn ngoài đồng, vô tận. Đan đệm đã thành nghề thủ công trong mọi gia đình miệt đồng sâu thuở ấy.
Người làng quê xưa sinh ra từ đôi bờ sông Hậu, sông Tiền, ai mà không có một lần ngả lưng lên chiếc đệm bàng. Xa quê nhớ đệm, càng xa càng nhớ tiếng giã bàng.
Cọng bàng tròn, to hơn chiếc đũa, chiều dài trên dưới hai mét, bàng kim nhỏ hơn một chút, bạt ngàn ngoài đồng ruộng. Cơn gió thoảng qua, cánh đồng bàng rập rờn, uốn lượn, vô vàn làn sóng xanh. Tha hồ nhổ, cắt chở về phơi khô, đan đệm, đan nón, đan bao đựng lúa, đan bị, đan cặp học cho trẻ em.
Giá trị cây bàng trong đời sống làng quê là thế. Nhưng làm ra chiếc đệm, cái bao, cái bị... từ cọng bàng người dân quê vừa vất vả vừa phải khéo tay. Cả ngày dầm nắng giữa đồng không một bóng cây, cắt bàng, bó thành từng bó, chiều xế chở về làng. Hôm sau bung xòe bó bàng ra phơi vài ba nắng. Bàng chưa khô hẳn, màu xanh vừa chớm vàng, người phụ nữ cần cù đặt bó bàng lên tấm ván dày, dùng chày, thứ chày vọt gạo của bà con dân tộc, dài hơn hai mét, nện bình bịch xuống bó bàng. Nện mãi, nện mãi cho đến khi mọi cọng bàng dẹp lép, lại đem ra phơi thêm vài nắng, cọng bàng vàng óng mới rút ra từng sợi, đan thoăn thoắt dưới bàn tay khéo léo của người phụ nữ làng quê. Nhiều người đan nhanh như máy, vừa đan vừa chuyện trò với người bên cạnh, không cần nhìn những cọng bàng nhảy múa dưới bàn tay.
Đêm trăng làng nghề đan đệm rộn rã tiếng giã bàng, “bụp bum... bụp bum...” âm vang như tiếng trống. Không ít trai làng tự nguyện sang nhà cô láng giềng, cầm chày đối diện với người đẹp suốt tuần trăng. Và cũng không ít đôi lứa thành “duyên nợ” từ những đêm trăng rộn tiếng giã bàng.
Xa quê nhớ tiếng giã bàng là vậy.
Nào ngờ chiếc đệm, tấm trải giường, bỗng chốc lên hương khi nó hóa thành chiếc nóp. Chiếc nóp ra đời từ lúc nào, chưa ai biết rõ. Ở làng quê hồi ấy lắm muỗi mòng, vả lại đắt, người nghèo không sắm nổi cái mùng. Người dân đồng bãi dùng chiếc nóp đệm vừa làm tấm trải vừa làm mùng.
Đơn giản lắm. Nhưng khởi đầu cái đơn giản ấy nào phải giản đơn. Làm nóp phải là đệm đôi hai mét. Trước tiên gấp một đầu đệm lại khoảng ba bốn tấc, rồi mới xếp chiếc đệm làm đôi, khâu chặt hai đầu bằng dây bố. Giống cái túi ni-lông, nhưng không có phéc-nơ-tuya. Thế là đã thành chiếc nóp. Tối đến trải chiếc nóp lên giường hay đâu đó, khi hành quân chiến đấu. Phải nhớ mí đệm có gấp lại đoạn đầu bao giờ cũng nằm phía dưới. Trước khi vào nóp, cầm mí trên giũ liền mấy cái, xua muỗi đi. Chui vào thật nhanh, lòn vài vào miếng gấp, lật ngang. Lưng đè lên miếng gấp và miếng gấp lại ép xuống mí đệm kia. Không con muỗi nào chui vào được. Động tác nhanh, gọn và thuần thục ấy được gọi cái tên là “lật nóp”. Lật nóp không khéo muỗi vô, lại phải chui ra giũ nóp, rất phiền.
Chiếc nóp đã gắn bó với người dân nghèo đồng bãi nhiều đời, cả những xóm làng kề cận thành thị người nghèo vẫn dùng chiếc nóp thay mùng. Hằng đêm chiếc nóp giúp họ ngủ yên. Khi qua đời, người nghèo quá chiếc nóp lại gói gọn thi hài của họ, ốp thêm bảy tấm tre đưa vào lòng đất.
Cuộc kháng chiến nổ ra ở miền Tây Nam Bộ, sau ngày 23-9-1945, chiếc nóp trở thành người bạn chí thân của người lính Cộng hòa Vệ binh, sau là Vệ quốc đoàn, ngày đêm trên khắp chiến trường khói lửa. Chiếc nóp đơn sơ, mộc mạc tự nhiên đi vào lịch sử cuộc kháng chiến dân tộc hào hùng. Ngay những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, quân đội nghèo, nào có quân dụng quân trang, vũ khí rất đỗi thô sơ. Giáo mác làm vũ khí hàng đầu. Chiếc nóp được nâng niu ngang ngọn giáo: “Nóp với giáo mang ngang vai...”. Cho dù sau này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta có cả xe tăng, tàu chiến, đại bác, máy bay... nhưng người lính mùa thu năm ấy không hề quên chiếc nóp, người bạn thân thiết của mình.
Lúc hành quân, chiếc nóp xếp gọn, vuông vắn, nhẹ hơn chiếc ba-lô thời chống Mỹ. Bên trong đựng bộ quần áo và vài thứ vật dùng. Dây đeo đánh bằng bố (đay) hoặc cọng chuối khô. Đến nơi tạm nghỉ, chiếc nóp làm gối kê đầu, đệm làm mùng chống muỗi và giữ cho người lính tránh sương sa gió lạnh. Ai đó ngã xuống, hy sinh, chiếc nóp ôm ấp họ, theo họ về cõi vĩnh hằng.
Hôm vào Tri Tôn thăm gia đình người bạn cũ, tôi bồi hồi ngắm mãi cây đàn tranh thập lục mà người vợ bạn trân trọng đặt bên di ảnh thờ chồng.
Không biết có bảo tàng nào còn giữ lại chiếc nóp và cây giáo mùa thu xưa? Riêng người chiến binh trẻ ra đi từ mùa thu ấy, nay người đã xế chiều, người đã hoàng hôn... không dễ quên “khúc ca lên đàng chinh chiến” vang xa khắp nẻo đường làng thuở ấy.