Hội hát “Chèo Tàu” là lễ hội đặc biệt được tổ chức theo chu kỳ 25 năm một lần, có trường hợp phải đến 60 năm, và từ ngày 15 đến 21 tháng giêng âm lịch, thuộc vùng tổng Gối xưa, nay là các thôn thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây.

Hội lễ có truyền thống lâu đời, tương truyền rằng khi kéo quân đi đánh Mã Viện, Hai Bà Trưng đã dồn trú quân tại vùng kẻ Gối, nhân dân hết lòng ủng hộ nghĩa quân. Sau khi Hai Bà Trưng qua đời, nhân dân vùng Gối tổ chức hội hát theo nhịp chèo thuyền trên sông (gọi là chèo tàu), cùng với lễ bái để nhớ ơn, tưởng niệm và lưu truyền cho muôn đời.

Vào những năm có hội lễ, dân làng chọn khu vực cánh đồng Cầu Ngói của làng Thượng Hội làm nơi trình diễn. Tại đây người ta tạo lập khu Đại dinh Tàu, Tượng, kiến trúc theo kiểu chữ A một đầu gối vào gò đất, trên gò có “lăng Điển tích”, xung quanh là hàng rào tre đan lối cánh sẻ cao đến 2,40m cứ đến cách khoảng 2m treo chuỗi đèn lồng đủ màu sắc. Trong khu Tàu, Tượng có đến 9 tòa nhà: đền Chính tẩm, Đại bái, Thể sát nội, Hành lang (bàn cờ, tàu rồng, tiểu môn), Thể sá ngoại, Đại môn, Tiểu môn, Đồn sở và nhà Cờ tướng. Đây là trung tâm của lễ hội Chèo Tàu.

Tàu (thuyền để làm lễ hội) dùng trong hội lễ làm bằng gỗ, hình rồng đuôi tôm, có mui thuyền, xung quanh đóng con tiện, thuyền đóng (gọi là câu lơn), Thuyền dài 4m, rộng 2,50m đáy thuyền lắp 8 bánh xe gỗ để đẩy thuyền đi lại, khoang thuyền đủ chỗ cho khoảng từ 15-20 người đi lại múa hát. Voi dùng cho hội Chèo Tàu có cốt gỗ, ngoài đan bằng nan tre, dài 2,50, cao 2,40m, có hành cắm được cờ lọng, đặt trên bệ gỗ, có 4 bánh xe để đẩy đi lại.

Đội diễn viên được tuyển chọn khá kỹ từ tháng Tám năm trước, theo tiêu chuẩn và được phục sức tùy theo địa vị trong đó: Chiêu Quân, 4 làng chọn 4 người, phải là những phụ nữ đứng tuổi, dòng phú quí, có hương sắc, trang phục cho Mẹ Chiêu Quân là: mũ phượng, áo đại hồng bào tay thụng, tay cầm hốt bằng ngà voi, đi hài song phượng, che lọng, ngồi trên 1 chiếc kỷ đẹp có bày ngọc quí. Khi vào hội, 4 Mẹ Chiêu Quân ngồi vào trong hành lang của làng mình làm nghi biểu, với hàm ý tượng trưng là những bà mẹ đứng ra tuyển chọn quân lính và tổ chức luyện quân cho Hai Bà Trưng. Các Con Tàu phải là gái thanh, có sắc đẹp, múa hát giỏi; khi vào hội đầu quấn khăn hồng đội mũ tiên có hai phượng chầu mặt nguyệt, cài 5 bông ngọc và trâm, mình mặc vũ y theo điệu nghệ thường, chân đi hài song phượng. Theo hội lễ truyền thống thì mỗi con Tàu (thuyền) có: 1 người điều khiển gọi là Chúa Tàu, phụ nữ trên 50 tuổi, người gõ sênh bắt nhịp gọi là Cái Tàu, cũng là gái trẻ, còn lại những người chèo thuyền tượng trưng gọi là Con Tàu: tất cả là 13 người, có 13 chiếc lọng. Riêng voi có 2 quản tượng do nữ dóng giả nam, tuổi từ 13-16 đội mũ đầu nâu, áo hồng bào, mình khoác áo trận; viên quản ngồi trước voi che lọng xanh, tay cầm búa ngọc, đeo kim giác. Khi trình diễn hai quản tượng làm nhiệm vụ xướng họa với con tàu.

Đại lễ bắt đầu vào sáng ngày Rằm tháng Giêng ta. Các con tàu trong lễ phục vào dâng hương trong tàu Đại Bái, tại lễ dâng hương có chuốc rượu và tiếng nhạc, với sự tham gia của phường Bát âm và trống họa. Mở đầu cuộc hát theo điệu lễ ca, có hát và có xướng. Sau đó 4 con tàu dàn hàng chữ nhất phía trước cung điện vừa múa và hát, tay cầm sênh hay quạt tàu, cứ một người xướng thì 3 người họa, vừa hát vừa múa gọi là múa xén, có hòa tấu. Đó là bài dâng hương. Sau đó 4 con tàu chuyển lên giữa chiếu lễ, quỳ xuống hát khúc dâng rượu chủ tế và bồi tế tiến đài rượu vào hậu cung, cứ như vậy dâng đủ 3 tuần rượu và hát đủ 3 khúc hát dâng. Theo đó là chủ tế và bồi tế uống rượu phúc, gọi là ẩm phúc; sau ẩm phúc là tiếng nhạc, có chiêng trống hòa tấu, phường Bát âm hòa khúc Lưu thủy. Xong đó lại 4 con tàu khác tiến vào, xướng dõng dạc theo điệu “độc phú”... Múa hát dâng hương, dâng rượu, tiến nhạc... trong nghi thức cổ truyền nghiêm trang và hấp dẫn. Sau đại lễ là các điệu hát Chèo Tàu gọi là Tàu Tượng ca khúc, mà cho đến nay việc sưu tầm nghiên cứu các làn điệu các lời ca của nó đang được tiến hành và mới là mở đầu trên con đường dài tái cấu trúc hội lễ truyền thống và rất độc đáo này.

Ca khúc Tàu Tượng có hàng chục làn điệu, như: Hát Chúc, 4 con tàu hát theo giọng hãm, phải hát ba tuần; Hát lễ trình con tàu của cả 4 làng hát trong khu dinh trước khi ra hát trên tàu rồng; Hát Chèo Tàu, dưới sự điều khiển của chúa tàu, hai cai tàu gõ sênh và 10 con tàu hát múa, Hát Bỏ Bộ; Hát Lễ Trình của quản tượng; Hát Ve Tàu Tượng...