Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) vốn là một làng nghề cổ chuyên làm quai thao nón thúng, se chân chỉ hạt bột, phất trần... chỉ cách trung tâm thị tứ Hà Nội vài cây số. Ngày nay chỉ còn ít nhà duy trì nghề cũ, phần đông chuyển sang thu mua phế liệu. Điều đáng ngạc nhiên là làng vẫn lưu giữ nhiều tập tục cổ truyền. Đặc sắc nhất là lễ hội rước thành hoàng Phùng (Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng), từ mồng 9 đến 12 tháng giêng âm lịch, định kỳ ba năm một lần.
Hội chính ngày 12, tế thành hoàng tại đình với ba tuần kéo dài trên ba giờ đồng hồ. Sau một tuần lễ, nhạc bát âm tấu khúc Lưu thủy và múa sênh tiền. Trong múa sênh ở Triều Khúc có nhân vật hoạt náo Thanh Đề đeo mặt nạ gỗ. Lại có tiết mục múa “Con đĩ đánh bồng” sau mỗi lần tiến tửu. Hai người nam giả nữ vận áo tứ thân đổi vạt, mặc váy, đeo trống đồng điệu bộ lặc lè ngả nghiêng uốn lượn theo điệu trống cà rùng. Khi lễ tất, từ sân đình hai cánh quân chia hai phía, chạy vòng ra cánh đồng cách đấy vài trăm mét rồi hợp lại giao chiến. Cánh quân mang hình rồng chiến thắng, quân địch tháo chạy tán loạn trong tiếng hò reo cổ vũ dậy trời của dân làng. Đây là tục chạy cướp cờ.
Mọi người trong làng tham gia nghi lễ một cách thành tâm, xem đó là một vinh dự khi được hóa thân vào các nhân vật của lễ hội. Tuy vậy, tục làng xem ra khá nghiêm khắc. Đến định kỳ tế thần nhưng nếu thành hoàng không làm tròn nhiệm vụ để thời tiết thất thường, ảnh hưởng đến mùa màng, đời sống thì chỉ rước mà không thay áo mão mới!