Từ lâu, bún Huế đã là món ăn nổi tiếng khắp đất nước. Nó sánh ngang hàng với các món ăn “tương tự” nổi tiếng của cả hai miền bắc - nam. Nếu người Hà Nội tự hào với phở; người Sài Gòn tự hào với hủ tiếu Mỹ Tho; người Hoa ở Hà Nội có mỳ vằn thắn, có sủi cảo tôm tươi; người Hoa ở Sài Gòn có cao lầu; thì người Huế cũng sẵn sàng đưa bún bò giò heo của mình đi “thi đấu” với vẻ đầy tự tin. Nếu phở Hà Nội có mùi đậm đà, tiềm ẩn một sức quyến rũ đầy vẻ hương đồng gió nội. Cái duyên của bún Huế cũng giống như cái duyên của người làm ra nó vậy, không phô phang trình diễn vẻ mỹ miều, mà luôn tiềm tàng, ẩn náu một sự chinh phục đầy quyết liệt.

Để tạo ra hương vị của bún Huế, không công phu, cầu kỳ như phở Hà Nội, nhưng cũng phải có bí quyết. Từ một công thức nhưng không phải ai nấu cũng ngon, bởi không dễ gì tạo nên cái mùi đặc trưng của bún Huế. Giống như phở, đầu tiên nước xáo của bún cũng phải có vị ngọt chân thực, tinh khiết của xương bò, xương heo. Do vậy xương phải được ninh suốt đêm hôm trước. Nồi nước xáo dứt khoát phải có vài ba củ sả gồm cả lá được ninh cùng giò heo. Giò heo thật tươi được chặt thành từng khoanh và chỉ ninh mềm vừa phải, nếu ninh mềm quá sẽ bị cảm giác ngấy. Làm sao để những khoanh giò có độ ngọt nhưng chỉ béo tương đối. Nó vừa mềm, vừa dai, vừa giòn tạo cảm giác “sần sật” khi ăn. Muốn tạo hương vị đặc trưng của bún Huế phải có ruốc (người bắc gọi là mắm tôm). Nêm làm sao để chỉ giữ cái mùi thơm của ruốc lại, để khi ăn người ta không hề cảm giác có ruốc trong bún. Những quán sành điệu thường tìm mua ruốc của làng Trài, làng Hạ thuộc xã Thuận An. Ruốc ở đấy vừa thơm, vừa ngọt, có màu hồng tươi hấp dẫn lại không có cát.

Để tạo màu sắc trên mặt nước xáo, người ta thường phi loại ớt bột ít cay trong mỡ để bỏ vào nước xáo, làm cho tô bún luôn có những hạt mỡ đỏ lóng lánh trên mặt. Thịt bò dùng cho bún cũng phải thật tươi. Thịt bò được thái lát to và mỏng. Mỗi tô bún một khoanh giò, thêm gân hay thêm chả, bò tái hay bò chín tùy theo yêu cầu của khách. Sợi bún phải mềm, vừa dai, vừa giòn. Bún ngon thường được đưa từ làng ngoại thành Bao Vinh lên. Tô bún khi múc ra, người ta rắc thêm chút tiêu bột, một nhúm hành lá thái nhỏ, dăm cọng giá sống, vài lát ớt đỏ cùng mấy ngọn rau thơm.

Khách sẽ được mãn nguyện khi cắn khoanh giò, húp ít nước xáo vừa có vị ngọt tinh khiết của xương hầm, vị ngọt thơm của ruốc, lại có mùi thơm của sả, của hành lá, của ớt tươi... tạo nên cái hương vị đậm đà rất riêng biệt của bún bò giò heo.