Trườn mình trên những con sóng nhỏ, chiếc thuyền thúng nhẹ nhàng rẽ nước ra khơi. Gió nhẹ mơn man thổi, con sóng lao xao vỗ nhịp mạn thuyền. Bờ bãi lùi dần. Từ ngoài biển nhìn vào, những dãy đèn đường, đèn khách sạn như dát xuống mặt biển nghìn ánh bạc sáng lấp lánh. Xa xa, ánh đèn của hàng trăm chiếc thuyền câu mực nhấp nháy kết thành cánh cung khổng lồ ôm lấy bờ bãi phía trong. Biển đêm đẹp đến ngỡ ngàng như một đêm hội hoa đăng.

Vẫn thoăn thoắt đôi tay đảo mái chèo, anh Thắng - chủ thuyền - giới thiệu cho chúng tôi về dịch vụ câu mực nhảy ở bãi biển Cửa Lò. Thông thường, muốn câu mực người câu phải ra khơi. Nhưng với lợi thế về độ mặn, biển ăn sâu vào đất liền, ít có sóng to, bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) trở thành nơi thích hợp cho loài mực mò sát vào bờ sinh sống. Nghề câu mực nhảy bằng thuyền thúng cũng nhờ đó mà hình thành. Những năm gần đây, kết hợp với sự phát triển du lịch, nghỉ mát, dịch vụ câu mực nhảy bằng thuyền thúng ở Cửa Lò đã trở thành một thú tiêu khiển hấp dẫn nhiều du khách. Chính dịch vụ này đã tạo nên nét độc đáo, đem lại bản sắc riêng cho du lịch Cửa Lò – điều mà không bãi biển nào trong cả nước có được.

Mọi người vẫn quen gọi là mực nhảy. Thực ra, phải gọi là mực “nháy” mới chính xác. Bởi vì con mực mới bắt lên, còn sống, mình nó trong suốt, làn da lúc nào cũng nhấp nháy các đốm lân tinh. Chỉ có đi câu mực gần bờ bằng thuyền thúng du khách mới có dịp thưởng thức món mực tươi ngon này.

Tối nào cũng có hàng chục chiếc thuyền thúng trải dài dọc bãi biển mời chào khách du lịch đi câu mực. Với 10.000 đồng/người, bạn có thể tham gia một chuyến câu mực nhảy đầy thú vị trong thời gian hai tiếng. Muốn đi câu mực qua đêm, tất nhiên bạn phải thuê trọn gói cả thuyền. Chiếc thuyền thúng trông nhỏ nhoi như một dấu chấm trên mặt biển nhưng có khả năng chở bốn, năm người trong một chuyến câu đêm. Những hôm trời yên biển lặng thuyền chỉ rời khỏi bờ chừng 300 – 400 m là buông neo bắt đầu câu mực. Hiếm khi nào thuyền đi câu xa nên lỡ gặp giông gió bất ngờ thì cũng vào bờ rất nhanh chóng. Dịch vụ câu mực nhảy xuất hiện từ năm 1995 nhưng tính tới nay chưa thuyền câu nào rủi ro gặp nạn. Những chiếc phao cứu sinh mang theo chưa phải sử dụng đến một lần.

Đồ nghề trong một chuyến câu mực thật đơn giản. Ngoài chiếc thuyền thúng còn có một cái vợt, một đèn măng - sông, mấy chiếc cần câu dài hơn 1m và cuộn dây câu khoảng 30m có gắn một hoặc hai chiếc rường câu trông giống con tôm đầy màu sắc. Rường làm bằng chì hoặc nhựa phản quang có gắn chùm móc câu phía dưới. Thân rường được quấn giấy kim tuyến xanh, đỏ, tím, vàng để dễ bắt ánh sáng đèn. Hấp dẫn bởi ánh sáng, mực tập trung dưới ánh đèn măng - sông. Lúc đó, người câu thả rường xuống nước và thỉnh thoảng giật nhẹ cần câu để thu hút mực. Bị kích thích bởi chiếc rường câu lấp lánh sắc màu, mực sẽ bám vào và dính câu ngay lập tức. Khi nào, người câu có cảm giác nặng tay, dây câu dường như bị vít trở lại có nghĩa mực đã dính cậu. Lúc đó, bạn cuốn câu thật nhanh để đưa chú mực đang xịt nước đen ì op treo tòng teng ở rường câu vào trong thuyền.

Cách thứ hai để bắt mực không cần câu là đánh thẻ. Thẻ làm bằng các mẩu ni-lông màu kết thành hình con châu chấu được nối với nhau bằng sợi dây cước. Người đánh thẻ một tay giật thẻ, một tay cầm vợt sẵn sàng xúc những chú mực theo mồi ngoi lên sát mặt nước. Muốn bắt được nhiều mực thì người đánh thẻ phải dẻo tay và dùng vợt chính xác. Ít du khách có khả năng bắt mực bằng cách này nên chủ thuyền thường “độc quyền” biểu diễn.

Tất cả số mực trong mỗi cuộc câu, du khách đều được hưởng, kể cả số mực của chủ thuyền bắt được. Có nhiều buổi lượng mực câu được đến 3 – 5 kg, tính ra nhiều gấp ba tiền chở khách nhưng chủ thuyền vẫn vui vẻ để du khách toàn quyền thưởng thức. Mực nhảy có nhiều cách chế biến. Đơn giản nhất là chén ngay tại trận, câu được con nào nướng luôn con ấy trên tán đèn măng-sống. Con mực tươi rói nướng lên vừa thơm, vừa giòn vừa ngọt chấm với tương ớt cùng muối tiêu pha chanh chẳng có món gì khoái khẩu bằng. Mực luộc cũng là cách ăn thông dụng nhưng không lạ miệng bằng ăn tái. Ai thích ăn con nào cầm râu con đó nhúng vào nồi nước đang sôi trong chốc lát rồi vớt ra thưởng thức. Còn ăn mực sống thì phải chọn con mực vừa câu lên khỏi mặt nước, bỏ hết nội tạng, thái miếng, vắt chanh vào ướp một lúc. Sau đó, gắp miếng mực tươi cong chấm vào chén mù tạt cay sực mùi hạt cải... rồi nhấp ngụm rượu giống kiểu thi sĩ Tản Đà ngày xưa uống rượu với hàu sống trên biển Đồ Sơn. Lúc này, những ồn ào náo nhiệt của phố phường, những bộn bề của cuộc sống đời thường dường như tiêu tan tất cả. Chỉ còn những du khách hòa mình với biển trời, gió nước nâng chén chúc nhau ly rượu trong nhạc đệm rì rào của biển.

Trong những chuyến đi câu, nhiều khách du lịch thường mang theo rượu bia, bếp ga mi-ni để có dịp làm bữa rượu với mực tươi giữa mênh mông bốn bề trời nước. Gặp hôm nhiều mực, mới chèo thuyền ra khỏi bờ một đoạn, mực đã nổi lên hàng đàn bơi theo ánh đèn. Khi đó chẳng cần câu, du khách tha hồ dùng vợt để vớt mực. Những đêm sáng trăng mực có ít hơn nhưng nhiều người vẫn thích thuê thuyền đi câu mực để hóng gió, ngắm trăng lên trên biển thả hồn phiêu du giữa trời nước bao la bốn bề lung linh ánh đèn thuyền câu mực mà tưởng như mình đang ở giữa một thành phố nổi.