Đã có nhiều người biết đến một địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như Ngã ba Đồng Lộc, thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mười cô gái thanh niên xung phong tuổi từ mười tám đôi mười hy sinh anh dũng trong khi đang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại một trọng điểm trên đường Trường Sơn. Ở đây có một tượng đài được xây dựng hoành tráng để các thế hệ người Việt Nam tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Thế nhưng có một ngã ba bất khuất khác trong chiến dịch Điện Biên Phủ hồi kháng chiến chống Pháp cách đây vừa tròn 50 năm dường như ít có người biết đến. Đó là Ngã ba Cò Nội thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La – nơi giao điểm đường 13 từ Việt Bắc sang, đường 41 (nay là đường 6) từ khu 3, khu 4 lên, có thể nói đây là đoạn xung yếu nhất trên tuyến đường ra mặt trận, nó trở thành “túi bom”, thành “cửa tử”.
Nhằm chặn đường tiếp viện của ta từ hậu phương ra tiền tuyến, hàng ngày địch cho máy bay “bà già” bay rất thấp để trinh sát, hễ phát hiện mục tiêu liền báo cho các máy bay phản lực Hen - cát, B26, B29 đến bắn phá, ném bom rất ác liệt, ngày cũng như đêm, có ngày chúng ném đến 300 quả bom các loại. Gay gắt nhất là khi chúng ném kết hợp bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bươm bướm, gây cho ta rất nhiều khó khăn.
Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn của địch, với tinh thần “Thanh niên xung phong còn thì đường không thể đứt”, ở đây được bố trí 5 đại đội (mỗi đại đội 200 quân) túc trực ngày đêm, kiên trì bám trụ bảo đảm giao thông thông suốt. Được sự huấn luyện của bộ đội công binh, các tổ chức trinh sát được bố trí trên các điểm cao theo dõi các điểm bom rơi, ghi bản đồ, các tổ phá bom theo chỉ dẫn của bản đồ gan dạ, dũng cảm rà phá bom nằm sâu trên mặt đường hoặc lăn những quả bom bên vệ đường xuống vực sâu, có sáng kiến ngồi trong hố cá nhân dùng sào dài gạt bom bươm bướm gây nổ, còn đại quân thì khẩn trương, hối hả lấp hố bom tạo mặt đường mới, những chỗ lầy lội thì dùng đá, dùng cây chèn chặt cho xe qua. Hết ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác có khi quên cả ăn, cả ngủ, nhất là thời gian địch thua đau ở Điện Biên Phủ thì chúng càng đánh phá hết sức quyết liệt. Cuộc vật lộn với địch để bảo đảm giao thông thực sự là cuộc chiến đấu đòi hỏi lao động quên mình kể cả hy sinh tính mạng. Các đoàn xe, các đoàn dân công hỏa tuyến vẫn nối nhau ra mặt trận. Trong quá trình phá bom, làm đường, chống lầy... anh em càng có kinh nghiệm và có nhiều sáng tạo làm giảm bớt sự hy sinh nhưng cũng có hàng trăm thanh niên xung phong vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Anh em đã chôn cất đồng đội trong quan tài đan bằng nứa với tấm chăn mỏng và mộ chỉ bằng cây gỗ được vát phẳng viết tên bằng mực tím. Tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, ngoan cường trong rà phá bom là các đồng chí Nguyễn Tiết Thụ, Cao Xuân Thọ, Trần Cam, những người mà trước khi đi làm nhiệm vụ được đồng đội “tế sống”, sau này trở thành chiến sĩ thi đua của Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương.
Uống nước nhớ nguồn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã xây dựng tại Ngã ba Cò Nồi khu tưởng niệm các liệt sĩ thanh niên xung phong gồm tượng dài bằng đá hoa cương và nhà lưu niệm theo kiểu nhà sàn dân tộc. Nơi đây đã trở thành địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch có tác dụng giáo dục truyền thống cho các thế hệ thanh niên. Đã có hàng chục đoàn từ nhiều miền của đất nước đến chiêm ngưỡng, thắp hương tưởng nhớ những người đã cống hiến tuổi xuân góp phần cùng quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.