Chùa Keo, một khu chùa cổ tuyệt vời, một tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam.
Chùa Keo tên chữ là chùa Thần Quang, nằm ở Vũ Thư, Thái Bình. Theo sử cũ, chùa Keo được xây dựng từ thời Lý Thánh Tông, đến nay đã nhiều lần trùng tu.
Trong những di tích còn lại thì chùa Keo là một di tích có quy mô to lớn. Có lẽ ở nước ta chưa có một ngôi chùa nào lại được tới 57.000m2 với 107 gian chùa lớn (trước là 154 gian) làm toàn bằng gỗ lim. Những con đường dài hàng trăm mét, lát toàn đá xanh rộng gần 2m và 350 cây cột lim lớn nhỏ, đều được kê trên những hòn đá tảng lớn, cổ bồng, chạm cánh sen.
Toàn bộ khu chùa là một quần thể kiến trúc lớn, gồm cột cờ, sân lát đá, tam quan ngoài, ao trước chùa, tam quan trong, sân đất, chùa Hộ, chùa Phật, sân gạch, tòa Giá Roi, tòa Thiên Hương, tòa Phục quốc, tòa Thượng Điện, gác chuông, nhà Tổ... Ngoài ra, là hai dãy hành lang dài hai bên, từ chùa Hộ trở vào.
Tổ chức không gian kiến trúc ở đây thật tài tình, phức tạp một cách trật tự, theo kiểu “tiền Phật hậu Thần”. Khu chùa phía trước và khu đền thờ Không Lộ thiền sư phía sau. Bố cục kiến trúc dường như là phá qui luật, như việc đặt gác chuông ba tầng vào cuối dây chuyền của quần thể. Kiến trúc của gác chuông là sự đồ sộ của hình khối, sự phong phú hài hòa của nhịp điệu và chi tiết, chỉ ba tầng cao 11,06m nhưng lại gây được ấn tượng đồ sộ. Bốn cây cột lim chính cao suốt hai tầng, cùng với hệ thống cột hiên và những hàng lan can con tiện, đã được kết nối khéo léo. Các tảng cột gác chuông thuần bằng đá, tạc kiểu hình đôn lớn, chạm hình hoa sen kép rất đẹp. Độc đáo nhất là hệ thống dui bay, tầng tầng lớp lớp vươn lên đỡ mái. Các đầu dui bay phía ngoài vươn ra, choãi xuống theo chiều mái, làm tăng thêm chiều cao của công trình. Đứng xa trông như 200 cánh tay Phật Bà Quan Âm từ mái tầng hai, tầng ba vươn ra vẫy chào khách thập phương! Tôi đã thấy những người khách nước ngoài dừng lại hàng giờ trước tòa gác chuông ba tầng này, sửng sốt và ngắm nghía mãi tầng tầng lớp lớp mái cong cổ kính và hàng ngàn bộ phận chạm trổ tinh vi, mà ngay đến những người thợ lành nghề nhất được mời đến trùng tu cũng không biết hết tên gọi!
Trong gác chuông có treo hai quả chuông niên đại: Hoàng triều Cảnh Thịnh tứ niên, một di tích quý về sự nghiệp “văn trị” của triều Tây Sơn trên đất Thái Bình. Quai đỉnh chuông đúc từ thời Tây Sơn rất đẹp, chạm hình hai con rồng nối đuôi nhau. Ở gác một chùa Keo có một khánh đá rất to, không biết đục từ bao giờ, tiếng khánh âm vang.
Hầu như bất cứ bộ phận kiến trúc nào của chùa Keo cũng thấy dấu vết của những bàn tay chạm khắc khéo léo. Ngay ở tam quan nội, một công trình tưởng như nhỏ, nhưng hai cánh cửa trung quan cũng được chạm khắc rất công phu. Cánh cửa cao 2,4m, mỗi cánh rộng 1,2m, được chạm một đôi rồng chầu bán nguyệt. Rồng ở đây to, khỏe. Con lớn vươn cổ lên, miệng ngậm hạt châu, râu bờm uốn sóng, rồi choãi ra thành những hình lưỡi mác, ngực rồng ưỡn về phía trước, đuôi vắt lên đỉnh tấm cửa. Hàng trăm đám mây lửa ngùn ngụt bốc lên. Rồng như bay lượn trong biển lửa. Có lẽ những người thợ tài ba muốn ký thác những dấu vết của lịch sử trong bức chạm gỗ này. Khép hai cánh cửa lại, chúng ta nhìn thấy một bức tranh hoàn chỉnh: rồng chầu nguyệt. Cái khéo của bức chạm này là trên cùng một mặt phẳng, người thợ đã chạm những nét nổi, nét chìm, con rồng to, rồng nhỏ, gần xa, như cả một bầy rồng bơi thong dong trong mây.
Hàng năm, “xuân thu nhị kỳ” vào ngày 4 tháng giêng và trung tuần tháng 9 âm lịch, khách thập phương cuồn cuộn đổ về dự hội chùa. Từ xa, trên đê sông Hồng, mọi người đã nhìn thấy lá cờ thần to bằng gian nhà, bay trên đỉnh cột cờ cao 21m. Cột cờ lớn chốt vào bệ đá sâu hàng mét, vậy mà cờ bay còn rung cả cột!
Dù cho cha đánh, mẹ treo
Cũng không bỏ hội chùa Keo hôm rằm...
Chưa đến chùa Keo, xin mời bạn hãy đến một lần...