Nghĩ về con khỉ, loài khỉ không hiểu sao người ta hay liên tưởng tới sự nghịch ngợm, láu táu và gần như là một sự phá phách của các bạn trẻ. Chắc chắn rằng không phải vì Tôn Ngộ Không - nhân vật trong Tây Du ký - vốn là một chú khỉ đã được hầu hết tuổi nhỏ chúng ta biết mà có sự liên tưởng kia. Bởi lẽ trước khi có Tề Thiên Đại Thánh, trước khi Tề Thiên Đại Thánh đến Việt Nam thì con khỉ đã hiện diện trong đời sống tinh thần, trong lời ăn tiếng nói của người Việt ta rồi.

Đúng vậy, nơi xa xôi hẻo lánh, rất ít người qua lại, được gọi là chỗ “khỉ ho cò gáy”. Còn con người, ai hay nhăn nhó thì bảo: “mặt nhăn như khỉ”, xấu quá lại nói “khỉ ăn ớt”, “khỉ nếm mắm tôm”. Để chỉ chỗ ăn ở luộm thuộm, hôi hám thì bị chê “bẩn như tổ khỉ”. Những ai có thói bằng nhằng ba hoa được gọi bằng cái tên “đồ con khỉ”. Còn hành động nào quá trớn, đê tiện thì được xem đó là “trò khỉ”. Tư thế đi đứng không nghiêm chỉnh, vặn vẹo cũng bị chê là “khỉ leo cây”...

Và như là mọi thứ xấu, mọi điều ranh ma đều gắn với con khỉ cả. Bên cạnh câu “mèo khen mèo dài đuôi” để nói về sự tự phụ, thiếu khách quan, dân gian còn có câu “khỉ chê khỉ đỏ đít” để phê phán cái sự yếu kém trong việc “phê bình, tự phê bình” của ai đó. Chưa hết, nói về sự mất đoàn kết, thiếu tinh thần tập thể cộng đồng bên cạnh câu khuyên: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài. Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” lại có câu khuyên chớ làm cái việc “khỉ vặt lông khỉ”...

Rõ là “phương ngôn nói một hay mười”, toàn nói chuyện khỉ đấy nhưng mà ngẫm mà nghĩ, mà liên hệ với con người mới sát thực làm sao? Và bạn biết không, dù là con vật tượng trưng cho sự “tiêu cực”, cái xấu nhiều. Ấy nhưng nó cũng vẫn không bị ruồng bỏ, hắt hủi cho lắm. Nó chỉ bị nhắc nhở, bị chê (có khi là mắng yêu) chút ít thôi. Bởi lẽ trong thực tế đời sống nó thật rất có ích cho con người. Trong vườn bách thú, trong rạp xiếc nó là niềm vui cho trẻ nhỏ, trong truyện cổ tích, trong những áng văn nó là nhân vật hấp dẫn bậc nhất của các em. Hơn thế, đã nghe món óc khỉ cùng với tay gấu trong các bữa đại tiệc của vua chúa xưa kia đủ cho thấy khỉ quý giá đến dường nào. Thực tế hơn, đối với y học, khỉ còn là một nguồn dược liệu bổ ích nữa đấy. Xương và thịt cùng nấu với nhau thành cao khỉ toàn tính. Mật khỉ dùng chữa bệnh kiết lỵ, hoặc xoa bóp khi chân tay bị ngã sưng tấy. Uống rượu ngâm máu khỉ thấy sức khỏe được tăng cường. Đây cũng là thuốc điều kinh của phụ nữ. Ngoài ra, thận khỉ dùng làm dược liệu để điều chế thuốc phòng bệnh bại liệt cho hàng triệu trẻ em trên thế giới.

Ai đó tin vào việc “nhân xem tướng, mã xem hình” cũng đều bảo những người mặt hầu (mặt khỉ), tay gấu và tiếng nói như khóc đều là những bậc “dị tướng” vừa có tài lại vừa làm lớn. Điều này bạn có thể tin hoặc không tin, tùy bạn nhưng vui xuân bạn cứ “bí mật” coi thử xem những người mặt hầu mà bạn quen biết có ai làm lớn, có tài cao học rộng hay không?...

Tiễn Quý Mùi qua, đón Giáp Thân đến, xin góp đôi điều nhân những ngày xuân vui con khỉ này. Chúc các bạn đón hưởng một năm mới thật vui tươi và gặt hái nhiều thành đạt!.