Tôi may mắn được sinh ra trong gia đình khá giả, lại là con trai độc nhất nên từ nhỏ đã được nâng niu cưng chiều như một báu vật. Mọi sinh hoạt của tôi từ ăn uống đến học hành đều có người phục vụ. Vì đã quen được cưng chiều, cung phụng nên càng lớn tôi càng ỷ lại, chỉ lo ăn chơi lêu lổng mà chẳng chịu học hành. Năm vào cấp III, tôi bị xếp vào dạng học sinh cá biệt, nhiều lần bị nhà trường cảnh cáo và mời gia đình lên làm việc vì những trò quậy phá. Nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng, gần cuối năm lớp Tám tôi bị đuổi học.

Từ đó tôi càng hư hỏng, suốt ngày tụ tập lêu lổng với những đứa chẳng ra gì, không biết tự lúc nào tôi đã vướng và ma túy – thứ bột trắng ma quỉ ấy. Lúc đầu chỉ vì những lời khích bác của bạn bè và thỏa mãn tính hiếu kỳ, dần dần tôi đâm ra nghiện. Tiền bạc bao nhiêu cũng không đủ thỏa mãn những cơn ghiền của tôi, đợi mọi người trong nhà sơ hở là tôi chôm đồ đem đi bán, từ những món có giá trị nhỏ đến lớn. Chôm đồ nhà không đủ tôi chôm cả đồ của hàng xóm, nhiều người nóng giận đến nhà chửi rủa. Mẹ tôi vừa phải năn nỉ người ta vừa phải bồi thường tiền. Từ hàng khá giả, gia đình tôi lâm vào cảnh túng quẫn, nợ nần chồng chất và tài sản trong nhà cứ lần lượt đội nón ra đi theo tôi.

Những lúc tỉnh táo nhìn mẹ đau khổ, ba tức giận, tôi hối hận lắm, nhưng khi lên cơn đói thuốc tôi mất hết nhân tính và bằng mọi cách để có được tiền. Tôi như con thiêu thân trót say ánh đèn. Không biết bao nhiêu lần tôi ra vào trại cai nghiện, cứ về nhà được vài tháng là tôi lại tái nghiện. Riết rồi mọi người bỏ mặc tôi, đi đến đâu ai nấy đều xa lánh, cảnh giác và nghi ngờ, chỉ có mẹ là vẫn kiên trì gần gũi, khuyên bảo tôi.

Lần cuối cùng trong đợt truy quét tệ nạn xã hội, tôi bị công an phường bắt định đưa vào trại cải tạo. Mẹ chạy ngược chạy xuôi làm giấy bảo lãnh cho tôi về cai nghiện tại nhà. Ba tôi và các chị đều phản đối kịch liệt quyết định của mẹ vì cho rằng “nó đã hết thuốc chữa”. Lúc tôi về nhà, mẹ đi đặt ngay một... cái lồng sắt để tôi sống trong đó suốt thời gian cai nghiện. Mẹ nói trong nước mắt với tôi: “Lần này mẹ sẽ ở bên cạnh để giúp con. Mẹ tin tưởng con nhất định sẽ vượt qua”.

Nói là làm, mẹ chui luôn vào cái lồng sắt đó ở với tôi, nhờ ba bên ngoài khóa ống khóa lại. Mọi sinh hoạt ăn uống, tiểu tiện đều trong phạm vi tù túng đó. Những ngày đầu tôi vật vã với những cơn đói thuốc, mẹ lúc nào cũng bên cạnh tôi xoa bóp, an ủi. Khó khăn rồi cũng trôi qua, ngày tôi hoàn toàn cắt được cơn và ra khỏi lồng sắt thì mẹ cũng bơ phờ, hốc hác. Nhìn mẹ xơ xác, ý chí đoạn tuyệt với ma túy trong tôi càng mạnh mẽ, tôi quyết định chặt một lóng tay trỏ để tự thề nguyện sẽ không bao giờ tái nghiện.

Thỉnh thoảng bị bạn xấu rủ rê tôi muốn xiêu lòng, nhưng khi nhìn vào bàn tay thiếu mất một lóng, nhớ lại những giọt nước mắt của mẹ, tôi lại thức tỉnh. Sợ tôi có thời gian rảnh sẽ sinh ra chuyện này chuyện nọ nên mẹ đóng tiền cho tôi học lớp sửa ôtô. Công việc đã giúp tôi lấy lại thăng bằng cuộc sống, tôi bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời. Một tiệm sửa xe nho nhỏ, một mái ấm gia đình giản đơn, tất cả đến với tôi như một giấc mơ. Trớ trêu thay khi tôi có chút danh phận, sự nghiệp thì mẹ đã bỏ tôi ra đi vĩnh viễn sau một căn bệnh ngặt nghèo.

Giờ đây mỗi năm đến ngày giỗ, thắp nén hương cho mẹ tôi lại nhớ đến người da diết. Dù mẹ không còn hiện diện trên cõi đời này nhưng trong trái tim tôi người vẫn sống mãi, để mỗi khi lầm đường lạc lối, chán nản thì hình ảnh của mẹ như một động lực giúp tôi vượt qua. Mẹ ơi! Con thật sự may mắn có được một người mẹ như vậy, lòng mẹ cao như trời, bao la như biển cả mà suốt cuộc đời này con không thể nào quên được!