Hoa đào là hình ảnh quen thuộc của người dân Việt Nam mỗi độ xuân về. Bản thân hoa đào là thứ hoa ngày Tết, cùng với hoa cúc, hoa mai có ý nghĩa văn hóa lớn.
Trong văn thơ và tranh cổ, khi nói về cảnh xuân không thể thiếu hoa đào. Hoa đào có sắc hồng, đầy chất lãng mạn và chất xuân.
Thi hào Nguyễn Du rất yêu thích hoa đào, hay nói đến hoa đào. Trong câu thơ: “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”, nhà thơ dẫn một điển tích văn học, đó là mối tình tương tư say đắm của Thôi Hộ với một người con gái của vườn đào.
Hình ảnh cây đào ra hoa được ví von với hình ảnh người con gái đến tuổi lấy chồng. Hoa đào nở sớm nhưng rụng nhanh, khiến văn nhân tỏ ý hoài tiếc như người con gái đến tuổi về nhà chồng tiếc thời son trẻ. Hoa đào và mùa xuân là chất trữ tình của cuộc sống.
Việt Nam ta cũng là một trong những quê hương của hoa đào. Làng Nhật Tân (Hà Nội) nổi tiếng là xứ sở của đào Bích, đào Phai. Đào Nhật Tân càng nổi tiếng khi nó gần với sự tích người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ sau khi đại thắng quân Thanh đã cho mang cành đào từ Thăng Long vào Phú Xuân tặng công chúa Ngọc Hân để báo tin vui.
Khí hậu Đà Lạt cũng rất hợp với đào. Đào Phai, đào Thắm Đà Lạt chẳng khác gì đào Nhật Tân, Nghi Tàm bên Hồ Tây. Vì thế mà Đà Lạt cũng được gọi là “Xứ hoa đào”.
Ngày Tết đi chợ hoa, ta thường thấy hoa đào hồng rực trải dài khắp chợ (phía Nam là hoa mai). Nhìn hoa đào, hoa mai người ta dễ cảm nhận được sự sum họp của ngày Tết đến xuân về.