Yếm, váy là trang phục riêng biệt của nữ giới, nói tới “yếm, váy” là nói tới phụ nữ. Yếm là mảnh vải che trước ngực. Váy là loại quần một ống, loại quần không đáy, có người gọi là quần ống xẻ, cho nên vào đầu thế kỷ này có người lại gọi đùa vui là cái “Bàn tà lồng ộp” (phiên âm tiếng Pháp “pantalon opéré” – có nghĩa là cái quần được xẻ ra).

Vạn vật đổi thay hằng ngày, loài người theo đó mà tiến hóa, trang phục của phụ nữ ta cũng biến cải theo “mô đen” – “gu” thẩm mỹ mỗi thời kỳ.

Ta có câu phong dao từ thời xa xưa:

“Đàn ông đóng khố đuôi lươn

Đàn bà mặc yếm hở lườn, mới xinh...”

“Khố đuôi lươn” là một tấm vải (dài một sải tay) dùng quấn người để che đậy phần hạ hộ của nam giới, có đầu mút nhỏ dần giống như cái đuôi của con lươn, cốt ý để lộ ra cặp đùi mạnh khỏe của đàn ông. Yếm không che tới hông, sườn (lườn), cốt ý để lộ cái đẹp của eo thon (vòng số 2) của nữ giới, như loại áo bà ba xẻ hông cao ngày nay. Đó là thời trang “mô đen” theo óc thẩm mỹ của thời xưa. (Kém gì chúng ta ngày nay?!)

Thời cận đại có bài phong dao khác:

“Tháng Tám có chiếu vua ra.

Cấm quần không đáy, người ta ngại ngùng.

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì mượn lấy quần chồng mà mang.

Không quần, dọn quán bán hàng,

Có quần ra đứng đầu làng xem vua”.

Đây là nói về việc chúa Nguyễn - người cai trị ở Đàng Trong - ra chiếu lệnh cấm phụ nữ mặc váy (quần xẻ ống) ra đường...

Tiếp theo là một bài khác:

Cùng chung một giải sông đào

Nghệ An, Hà Tĩnh ào ào kéo lên

Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên.

Quảng Nam, Quảng Ngãi một miền kéo xuôi.

Ấy là: từ giữa thế kỷ 18 trở về trước, Chúa Nguyễn cai trị phần đầu từ Quảng Ngãi trở vô, gọi là Đàng Trong. Chúa Trịnh cai trị phần đất từ Hà Tĩnh, Nghệ An trở ra, gọi là Đàng Ngoài. Hai bên được phân ranh bởi sông Gianh, mỗi bên ở mỗi bờ. Như vậy, vì chiếu lệnh kể trên của chúa Nguyễn chỉ được thi hành kể từ Quảng Bình trở vô thôi, nên chỉ phụ nữ phần đất này phải bỏ mặc váy (quần ống xẻ) và thay vào là mặc quần (hai ống). Và khi cần đi vệ sinh thì họ phải kéo xuôi quần xuống. Còn ở phần đất từ Hà Tĩnh, Nghệ An trở ra Đàng Ngoài, thuộc phần cai trị Chúa Trịnh, thì phụ nữ vẫn mặc váy (quần không đáy, quần ống xẻ). Vì vậy, khi cần đi vệ sinh thì họ lại kéo ngược trở lên!

Gần đây, ta nhận thấy trang phục của phụ nữ lại có sự thay đổi, nhiều người đã trở về với “yếm váy”: Khi mặc áo “vét” họ thường mặc cái áo lót bên trong, cổ vuông và được lộ ra giữa hai tà “vét”, gần giống như là kiểu mặc cái yếm màu đỏ hường, cổ tròn hay cổ trái tim của thời xưa. (Phong dao: Hỡi cô yếm thắm (đô) răng đen...), phần dưới người ta lại mặc loại quần một ống, quần ống xẻ, giống như cái váy thời xưa. là vậy, có phải đây là theo lẽ tuần hoàn của tạo hóa? Là “châu nhi phục thủy” (quay giáp vòng rồi trở lại chỗ khởi đầu) chăng? Hay:

Chim ham trái chín, ăn xa,

Nhớ nguồn, lại hướng cội đa tìm về... (?)