Theo truyền thống của người Việt và nhiều dân tộc khác, thì năm cũ kết thúc vào giờ Hợi ngày 30 (hay 29 nếu tháng thiếu) của tháng chạp (tháng Sửu), và năm mới bắt đầu từ giờ Tý ngày mùng một tháng Giêng (tháng Dần).
Để tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến, mọi người lấy đơn vị từng gia đình, và toàn xã hội tổ chức lễ tết Nguyên Đán, bằng vật chất và tinh thần. Đây là một nghi lễ quan trọng nhất trong chu kỳ một năm, kéo dài trong khoảng từ 20 tháng Chạp đến mùng 10 tháng Giêng – những ngày cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng đều gọi là ngày Tết (26 tết, mùng 6 tết)...
Sắm tết hay chuẩn bị tết là công việc quyết định cho lễ tết, không những phải có tiền của để mua sắm đồ tết, hàng tết từ: bánh chưng, thịt, rượu, hành tỏi, đến hương hoa câu đối, sửa sang nhà cửa, sắm quần áo mới... mà còn phải có không khí tết, mọi người phải khẩn trương và kính cẩn trong khi sắm tết, tất cả phải thuần khiết sạch sẽ để dâng cúng tết.
Hoạt động tinh thần vào dịp tết Nguyên Đán vô cùng phong phú, và việc tổ chức hoạt động tết có diễn biến gia giảm ở từng vùng, từng thời gian, nhưng trên đại thể, tết Nguyên Đán truyền thống có một số nghi lễ bắt buộc như sau - kéo dài trước và sau tết Nguyên Đán:
Tết Ông Táo, là lễ tết đưa ông Táo – Vua bếp về chầu trời, báo công một năm trông coi dưới trần gian (xem tết ông Táo).
Dựng cây nêu. Từ ngày 23-30 tháng Chạp có tục lễ dựng cây nêu để trừ quỷ quấy phá vào dịp tết. Đồng thời với việc dựng cây nêu, trước tết vài ba hôm, các nhà quét dọn bàn thờ, nhà cửa, trang hoàng lại để đón năm mới.
Ngày 30 Tết, ngày Trừ Tịch, các hoạt động diễn ra khẩn trương, sôi nổi nhằm tiễn trừ hết những gì của năm cũ để đón năm mới, cũng là ngày trừ khử lũ ma quỷ bằng những hành vi cúng tế lễ và xua đuổi theo tục cũ. Lễ tết ngày 30 cũng phong phú: con cháu về tết ông bà cha mẹ, trò tết thầy; người buôn bán vay mượn lo trả nợ đừng để nợ theo sang năm mới; và vui nhất là những phiên chợ 30 tết, thường là “hàn thử biểu” đo mức độ tết của cả vùng.
Trong từng gia đình, dòng họ, ngày 30 tết là trong đại, cỗ cúng 30 là to nhất, gia đình nào cũng phải bày biện để cúng tổ tiên, trước đó là đi tảo mộ và lễ cau trầu hương thỉnh cầu tổ tiên về hưởng tết cùng con cháu.
Lễ Trừ Tịch - Lễ Giao Thừa. Vào giờ chót của ngày 30 tết cũng là sắp bước sang năm mới. Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng quan trọng để tống cựu nghênh tân, mọi nhà làm lễ trừ tịch, cũng gọi là lễ giao thừa. Tùy theo điều kiện và tập tục mà mỗi vùng có cách bày bàn thờ, cỗ cúng và lễ Giao Thừa thích hợp. Theo quan niệm truyền thống thì lễ giao thừa tế Cựu Vương Hành Khiển, tức người thay mặt Ngọc Hoàng xuống trần trông coi việc nhân gian trong năm, từ giao thừa năm trước đến giao thừa năm sau. Cùng với Hành Khiển là một vị Phán Quan giúp việc ghi chép công tội của nhân gian để Hành Khiển báo về cho Ngọc Hoàng khi mãn nhiệm. Các vị này được gọi là đương nhiên chi thần – riêng Hành Khiển có 12 vị, mỗi vị được phái xuống theo chu kỳ 12 năm một.
Ngoài gia đình ra, các chi họ và đại tộc, làng xóm, chùa quán, đình miếu, và ở các nơi thường tổ chức đại lễ của các cơ quan hành chính các cấp, đều có bày bàn thờ, trang hoàng và lễ vật làm lễ giao thừa; phần lễ vật thờ tùy khả năng, song mặt tinh thần là không thể khinh suất.
Đốt Pháo, theo quan niệm truyền thống thì để tống cựu nghênh tân, vào lúc giao thừa, cùng với lễ cúng giao thừa. Pháo được treo sẵn trước cửa nhà hay sân nhà, khi báo hiệu năm mới đến là châm lửa. Đây là lúc pháo nổ dậy đất trời. Đốt pháo là hành vi cuối cùng để trừ ma quỷ vì theo tục truyền: ở núi Sơn Tiên có giống ma núi, hễ nó phạm vào người là sinh đau ốm, nên phải đốt pháo để nó sợ mà tránh xa con người. Một ý nghĩa khác: đốt pháo làm cho không khí tết vui thêm, sau khi pháo nổ dường như trong lòng người hết phiền muộn và hào hứng với xuân về.
Cúng thổ công. Sau lễ giao thừa, cùng với không khí đón năm mới, là lễ cúng Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà, thường được gọi là người chủ số một của nhà. Lễ vật cúng Thổ Công tùy gia chủ, song phải thành kính trang nghiêm và thường có bài văn khấn thủ công lưu truyền.
Sau khi tiến hành một số lễ nghi như vừa nêu, từ sau giao thừa trở đi, theo truyền thống có các tục từng thịnh hành và lưu truyền đến nay; như:
Xuất hành lễ đền chùa. Cúng giao thừa xong để đi đón xuân, người ta chọn hướng đi (hướng xuất hành) vì theo quan niệm đầu năm chọn được hướng đi đúng thì cả năm làm ăn thuận tiện và yên lành. Theo hướng đã chọn, đến lễ ở các nơi thờ tự như đền chùa miếu có tiếng linh thiêng, mong thần phật phù hộ. Đặc biệt là trai gái thường đi đón xuân đông hơn người già cả và trung niên vì đây cũng là dịp đi chơi đầu năm. Hái lộc. Sau giao thừa dân thành thị, nông thôn có tục đi hái lộc giao thừa, người ta đua nhau bẻ một vài cành lá - gọi là hái lộc những cây như đa, đề, si các cổ thụ xum xuê... thường mọc trước cổng chùa, đền hay ở những nơi đắc địa, đem về cắm ở bàn thờ cho đến khi tàn khô. Theo quan niệm truyền thống thì hái lộc trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm.
Hưởng Lộc. Một số người thay vì hái lộc bằng việc xin lộc tại các đền chùa, bằng cách đốt một nắm hương hay một vài cây hương đại, khấn vái xin lộc trước bàn thờ, rồi mang cây hương đó về cắm ở bàn thờ nhà mình. Ngọn lửa hương có tượng trưng cho sự phát đạt trong năm tới, và hy vọng thần phật sẽ phù trì cho mình.
Xông nhà. Bắt đầu vào năm mới, để sự làm ăn và sức khỏe của gia đình được thuận tiện bình an, gia đình chọn người xông nhà, xông đất, có nghĩa là người đó là người đầu tiên từ ngoài bước chân vào nhà, mở đầu cho việc vào ra của mọi sự trong năm. Theo quan niệm truyền thống: người dễ vía xông nhà thì cả năm gia đình sẽ tốt đẹp, nếu ngược lại sẽ xúi quẩy. Do vậy, gia đình có thể chọn một người trong nhà, thuộc loại dễ vía nhất, đi ra khỏi nhà từ năm cũ (cũng có thể sau khi đã đón giao thừa) đi ra ngoài, rồi trở về nhà trong năm mới, cũng có thể chọn ai đó trong số người quen đến xông nhà từ sáng sớm mồng 1 tết. Sau khi đã có người xông nhà, thuộc loại dễ vía nhất, đi ra khỏi nhà từ năm cũ (cũng có thể sau khi đã đón giao thừa) đi ra ngoài, rồi trở về nhà trong năm mới, cũng có thể chọn ai đó trong số người quen đến xông nhà từ sáng sớm mồng 1 tết. Sau khi đã có người xông nhà, chủ nhà không phải băn khoăn lo lắng nếu ai đó nặng vía vào nhà mình nữa.
Từ sáng sớm mùng một tết, các hoạt động tết – mừng năm mới là những hoạt động chủ yếu:
Mừng tuổi và đi chúc tết. Từ trong gia đình, họ mạc đến làng xóm, từ sáng sớm mùng một đều đi chúc tết, mừng tuổi nhau. Con cháu đến chúc tết, mừng tuổi ông bà cha mẹ bằng lễ vật, trong khi đó người lớn tuổi, ông bà cha mẹ, anh chị... mừng người ít tuổi; con cháu, em út, bằng tiền, gọi là tiền mừng tuổi. Hàng Xóm mừng tuổi lẫn nhau, họ mạc mừng tuổi lẫn nhau.
Nhiều làng tổ chức hội xuân từ sáng mùng một tết, dân làng đến lễ bái đình, đền, chùa, miếu và các cuộc chơi xuân, vui xuân như chơi cờ tướng, đánh còn, đánh vật... được tổ chức.
Trong ngày mùng một tết, mọi nhà đều tôn trọng những kiêng kỵ, như không quét nhà, không cãi cọ, không làm điều gì mếch lòng nhau, không vay mượn của cải...
Ngày mùng một tết, theo truyền thống là ngày đại diện cho gà. Ngày mùng hai thuộc về chó; mùng ba là lợn, mùng bốn là dê; mùng năm là trâu, mùng sáu là ngựa; mùng bảy là người, mùng tám là cốc – ngũ cốc.
Mùng 2, mùng 3 tết vẫn trong không khí chúc tết – vui xuân. Mùng 4 tết, theo tục truyền là ngày hóa vàng, nghĩa là hóa số vàng mã đã mua về để cúng trong ngày tết, vì có như vậy người cõi âm mới được dùng những thứ đó. Khi hóa vàng, người ta đổ vào đống tro hóa vàng đó một chén rượu cúng, có như vậy người cõi âm mới nhận được vàng - tiền ở nơi âm phủ. Trong khi hóa vàng, người ta lấy hai cây mía - vốn được dựng nguyên cả ngọn ở hai bên bàn thờ – là gậy để các cụ gánh vàng về cõi âm và là vũ khí chống bọn quỷ dữ, trên đường về - hơ lên ngọn lửa hóa vàng, với nghĩa để các cụ dùng.
Lễ hóa vàng mùng 4 tết tại các gia đình, với cỗ cúng, coi như là lễ tiễn các cụ về cõi âm sau mấy ngày ăn tết với con cháu. Tết Nguyên Đán coi như đã xong, từ đây trở đi lại bắt đầu một cuộc sống mới, người ở lại, kẻ đi làm ăn xa.
Trong dịp tết Nguyên Đán, từ mùng 4 trở đi còn có một số lễ nghi nữa liên quan đến tết như lễ hạ cây nêu - lễ khai hạ, vào mùng bảy tết vì đó là ngày của người (xem lễ hạ cây nêu).