Cả thành phố nhỏ vùng đồi đều biết nhà tôi làm bánh phở ngon nổi tiếng. Từ khuya, mẹ tôi và hai bác thợ phụ nổi lửa nấu bánh quần quật. Nhưng phải đến lúc giao hàng mới thật vất vả. Tay cân, tay đếm, tay ghi chép, tay tính tiền, mồ hôi mướt má, mắt như bạc đi vì khói và hơi nước, vì tiếng tranh cãi ồn ào và cả mỏi mệt. Đến lúc tôi dắt cái xe đạp khỏi nhà để đến trường, ngoài ngõ đã lại im lìm, chỉ còn mùi gạo bột lên men chua vương vất...
Mẹ tôi hoàn toàn không giống những bà mẹ dịu dàng. Lời nói của mẹ khô khan và hiếm hoi. Chỉ mấy lúc thật cần thiết, mẹ mới nói một câu ngắn ngủi và bình thản. Vài người quen tò mò hỏi vì sao gia cảnh không tệ mà mẹ vẫn để cho đứa con gái một chạy chiếc xe đạp cũ tàng. Tôi rất buồn và xấu hổ. Một lần, tôi nhặt trên sàn bếp một tờ bạc khá lớn, 50 ngàn đồng, và không trả lại. Chẳng rõ cách nào, mẹ biết được. Không mắng mỏ, trách móc lớn chuyện, mẹ chỉ nhặt một đầu mẩu củi cứng quèo, thình lình ném trúng mắt cá chân tôi, khẽ lẩm bẩm: “Con gái còn nhỏ học tính gian dối, sau này lớn sẽ ra gì?” Vết đau nhói ở mắt cá rồi mờ đi. Chỉ có lo buồn ở lại. Tôi đoán từ nay mẹ nghĩ về tôi như một đứa trẻ kém trung thực.
Tôi học lớp Tám. Khi các bạn gái cùng lớp khoe nhau bao thứ bé xinh nhưng quan trọng làm sao với những cô gái nhỏ, tôi rất tủi thân. Có lúc, tôi tính chuyện dành dụm mua cái áo đẹp mới. Nhưng ngay khi tôi sắp nghĩ ra một việc gì đó để kiếm tiền, mẹ buộc vào yên sau xe đạp của tôi một cái giỏ, để quãng chiều, tôi có thể đi giao thêm bánh phở cho các cửa hàng ăn bán tối. Tôi quen biết nhiều người hơn. Bà Hoa, chủ một hiệu phở lớn gần chợ hay kéo hẳn tôi vào nhà, mời uống nước. Có khi thu tiền luôn, có khi giao hết bánh, lượt về tôi mới ghé nhận. Đếm tiền đưa cho em, tôi hay vui miệng kể về những bạn hàng vui tính, trong đó nhắc nhiều nhất đến bà Hoa. Mẹ hầu như im lặng, nên tôi chẳng rõ mẹ có nghe mẩu chuyện vụn vặt tôi kể hay không.
Một buổi chiều nọ, tôi giao hai bọc bánh phở cho cửa hiệu của bà Hoa. Bà đang có khách nên chỉ cười và ra hiệu nhận hàng. Lượt về, tôi vòng xe đạp vào tiệm. Vừa nhìn thấy tôi, đôi lông mày kẻ chì đen của bà đột nhiên cau lại: “Ban nãy chẳng phải bác tính đủ và mày đã nhận rồi đấy sao?” Tiếp theo đó, câu chuyện diễn ra theo một chiều hướng kinh khủng. Các dẫn chứng của tôi đều bị lấn át và cuốn phăng đi dưới giọng nói the thé, càng lúc càng hét lên lớn hơn của bà chủ tiệm. Bỗng, bà Hoa kéo toạc vết sờn nhỏ trên tay áo tôi thành một lỗ rách, cười nhẹ tênh: “Con nhà làm phở nổi tiếng mà vậy sao? Hay mày muốn có tiền mua áo mới nên đặt chuyện lừa dối thế?” Tôi khóc òa. Tôi biết, mẹ sẽ chẳng tin tôi. Rất khuya, tôi mới dám về nhà, mắt khô ráo. Mẹ mở cửa. Tôi hé miệng toan giải thích. Chợt mẹ nói khẽ: “Mẹ biết tất cả rồi. Nhưng con ạ, mẹ tin con!”.
Có những thời điểm ngặt nghèo, chỉ cần một người đặt lòng tin vào bạn, mọi oan ức tủi nhục bỗng chẳng còn đáng giá mảy may. Trong cái khoảnh khắc lặng đi ấy, đột nhiên tôi biết phía sau sự im lặng, mẹ yêu thương tôi biết bao.