Người cùng thời xem Nguyễn Tuân là “lãng tử”. Mỗi trang viết của ông là một trang đời – đời ông và đời người khác - Mỗi con chữ, dòng chữ của ông là một sự khắc họa, chạm trổ tài tình. Thật hiếm hoi trong đời sống văn chương chữ nghĩa có một nhà văn “nhất quán triệt để giữa trang viết và cách sống hàng ngày của mình”. Sống thế nào viết như vậy. Điều này ta dễ thấy nhất trong “Một chuyến đi”, “Tùy bút”, “Thiếu quê hương” và một vài tác phẩm khác của Nguyễn Tuân.

Tôi đọc Nguyễn Tuân trước tiên là “Một chuyến đi”, hồi tôi đang lang thang khắp nơi kiếm sống trên đất Cam-pu-chia. Sau đó tôi mới đọc “Vang bóng một thời”. Ba nhà văn tôi yêu thích nhất hồi ấy là Nguyễn Tuân, Lê Văn Trường và Vũ Trọng Phụng. Mỗi vị đều để lại ảnh hưởng ít nhiều trong cách sống và trang viết của tôi.

“Một chuyến đi” đã thêm men cho tôi say thú giang hồ, đam mê xê dịch, lòng nhân hậu đối với cuộc sống và con người. Lúc ấy cũng như nhiều năm sau này, tôi đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, những trang ông viết về những cô đào hát, vũ nữ mà “các rạp hát lớn và tiệm nhảy nhả ra, đang lao xao trên dòng nước vỗ sóng mặn”. Tôi ngẫm nghĩ thật lâu trên trang ông viết về nàng Tú Trần, trong cái đêm thổn thức ông vụt có tư tưởng đem nàng về An Nam... “sẽ bắt nàng phục thiện, hoàn lương... bắt trả lại cho Hương Cảng cái quá khứ mại dâm của nàng...” Tôi bồi hồi dở lại nhiều lần trang ông viết về các cô trong đoàn đóng phim “Cánh đồng ma”, trên con tàu lênh đênh trong đêm mưa to gió lớn trên đường về Hải Phòng: “Đáng thương nhất là đám son phấn trong đoàn. Cô T và cô C phong phanh một manh áo hoa hàng tơ mỏng... Họ tiều tụy như đám cung nữ trong lòng các đấng tiên quân ở Kinh thành Huế... Không gì cực cho tôi hơn là phải thấy người đàn bà đẹp bị hành hạ bởi những điều nhỏ nhen về ăn và mặc thiếu thốn...”

Mãi cho đến khi tập kết ra Bắc, vài năm sau tôi đọc lại “Một chuyến đi”, tôi mới nhận ra một nét đáng yêu khác trong con người phiêu lãng Nguyễn Tuân. Ông rất yêu gia đình, yêu thiết tha trong mọi biểu hiện lớn nhỏ của cuộc sống cha con, chồng vợ. Tôi thật sự bùi ngùi đọc những dòng ông viết về người cha: “Lắng nghe mưa rơi như khóc... Rồi tôi chạnh tưởng đến quê nhà bây giờ đang mỗi phút xe gần lại, tôi tưởng nhớ đến thầy tôi, một ông Tú già cũ, trong những đêm xuân mưa phùn nặng hột, thường bắt tôi gẩy một lư trầm Quảng Nam. Cha tôi vặn trục đàn nguyệt kêu cót két, trong gian nhà gác vắng vẻ ở một tỉnh xép kia, phố xá lèo tèo... Cảnh tượng êm đềm diễn ra rõ rệt trong ký ức. Nó làm ấm áp lại một linh hồn đang cảm thấy sự thui thủi mênh mông. Tôi không muốn nghĩ tới điều gì nữa. Tôi chỉ muốn sống cho trọn canh trường với vang và bóng ngày ký vãng... Tôi biết thầy tôi giận lắm vì một đứa con trai trưởng đã không thắp hương ở bàn thờ ông vải vào một cái Tết Nguyên Đán năm Mậu Dần ấy...”

Viết về người mẹ, chỉ một câu ngắn mà ta cảm thấy nỗi đau dài và sâu thẳm. “Thầy tôi đã có một dĩ vãng “lang bạt kỳ hồ”, mà ngày nay, mỗi lúc nhắc tới, mẹ tôi chỉ biết kêu trời vào khoảng hai ngụm rượu thuốc...”

Nói đến đứa con mới sinh, cảm xúc của Nguyễn Tuân rất ngọt ngào: “Tôi ở đảo về, năm sau còn đang xuân. Và nhà tôi sinh thêm cho tôi một đứa con gái vào khoảng hoa đào tạ cánh, ở nhụy hoa đã nhú lên cái hình quả...”

Rải rác đó đây trong từng quyển sách, trên nhiều trang sách, tôi thấy rõ cái tâm, cái hồn của Nguyễn Tuân phiêu lãng không hề thiếu vắng hình bóng gia đình, ngay những lúc ông tự cho mình là phóng đãng là tâm hồn bừa bãi... Giữa ngày 29 Tết, ở Hồng Kông, ông viết thư cho vợ, làm cả một bài thơ ngũ ngôn cổ phong: “Tôi đã xúc cảnh tạo nên một bài thơ mà tự tôi, tôi lấy làm bằng lòng lắm... Tôi tin rằng nhà tôi sẽ cảm động lắm. Vì thơ này tôi gởi cho vợ tôi”.

Thơ gởi cho người yêu đã là sự thường tình trong giới thơ văn. Làm thơ gởi cho vợ chưa chắc đã có mấy ai. Tôi đốt một nén trầm Hà Nội, xin hương hồn cụ Nguyễn cho tôi chép lại bài thơ này:

Bốn bể cũng là nhà

Tết này lại ở xa

Hồn quê theo lá rụng

Đất khách đóng trò ma!

Cát bụi quên ngày tháng,

Biển hồ góp xông pha...

Đừng cho đàn trẻ biết,

Rối ruột khách thiên nha.

Viết xong thơ cho vợ, ông cảm thấy “tâm hồn dìu dịu” và “không còn buồn” mà chỉ "còn sầu thôi” Có phải đó là nỗi sầu nhân thế, cái sầu tha hương?

Đã biết Nguyễn Tuân, một hành nhân suốt cả đời mình, đi theo tiếng gió, đi theo tiếng gọi của “hồn linh đường sá”, như thể hành giả Basho của Nhật Bản. Tôi vẫn ngạc nhiên và hết sức cảm động với chi tiết đặt ở trang cuối cùng, ông nghĩ đến vợ con sau chuyến phiêu lãng Hồng Kông. Hai tháng trời, (có là bao so với những cuộc ly cách ngày nay) lang thang xứ người Hương Cảng, trên đường về, náo nức nôn nao, đinh ninh chiều 30 Tết làm gì cũng về đến quê nhà. Tàu biển chạy thế nào, mà cái đêm ba mươi thiêng liêng ấy ông vẫn lênh đênh trên biển cả mù sương, gió mưa và giá rét.

Mãi tới mười giờ sớm 11-12-1938 tàu Doumer mới cập được bến Hải Phòng. Không kịp nghĩ gì thêm, đoàn người làm phim “Cánh đồng ma” đã vội vã chia tay, “mỗi người trở về một xó quê hương, vẻ hấp tấp của đào kép một gánh cải lương gặp lúc cáo cùng...”

Riêng Nguyễn Tuân, hối hả “lên ô-tô ray, vụt nhớ đến phận làm cha, làm chồng của tôi ở một mái nhà kia cách Hải Phòng gần ba trăm cây số. Gần hai tháng nay, ở đây, thiếu một người so đũa bên mâm cơm hàng ngày. Mái nhà kia, trong phút này, đã là tượng trưng của tin yêu...”.

Khép lại trang sách, tôi ngậm ngùi đến rưng rưng nước mắt, và từ đó, hơn mười tám năm rồi, mỗi bữa cơm, tôi đều cầm bó đũa so cho từng người. Tôi cảm thấy vui được làm “người so đũa”. Và, mỗi lúc đi xa, lòng thấy buồn, nghĩ tới ở nhà “thiếu một người so đũa bên mâm cơm hằng ngày”.