DÀN Ý
1. Mở bài:
- Tri thức rất cần thiết đối với con người.
- Muốn có tri thức phải học hỏi. Học trong sách vở, học từ thực tế cuộc sống xung quanh.
- Ông cha ta thấy rõ tầm quan trọng của sự học hỏi nên đã khuyên con cháu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
2. Thân bài:
a Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ:
* Nghĩa hiển ngôn:
- Đi một ngày đàng: một ngày đi trên đường.
- Học một sàng khôn: thấy được, học được nhiều điều hay, mở mang thêm trí óc.
* Nghĩa hàm ngôn: Tầm quan trọng của việc học hỏi mở rộng ra bên ngoài (về mặt không gian) để nâng cao hiểu biết và vốn sống.
b/ Giá trị câu tục ngữ:
- Ý nghĩa của câu tục ngữ hoàn toàn đúng. Có chịu khó đi đó đi đây thì tầm nhìn mới được mở rộng, hiểu biết mới được nâng cao, con người sẽ khôn ra.
- Trên khắp các nẻo đường đất nước, chỗ nào cũng có những cái hay, cái đẹp của cảnh vật, của con người. Đi nhiều, biết nhiều giúp con người trưởng thành, dày dạn và từng trải.
- Hiểu biết (khôn) càng nhiều con người càng có cách xử thế đúng đắn hơn, làm việc có hiệu quả cao hơn, quan hệ với gia đình và xã hội tốt hơn.
- Trong giai đoạn mới hiện nay, việc học hỏi lại càng cần thiết. Vấn đề đặt ra là học những điều hay, điều tốt, có ích cho bản thân và cho việc xây dựng, phát triển đất nước, tránh điều dở, điều xấu. Học để làm chủ được mình, để đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
3. Kết bài:
- Học hỏi là chuyện thường xuyên trong suốt đời người.
- Xác định mục đích của việc học hỏi là học điều hay lẽ phải, học những gì bổ ích cho bản thân, gia đình, xã hội.
- Phải có phương pháp học hỏi chủ động, sáng tạo và có chọn lọc để đạt được hiệu quả cao.
- Câu tục ngữ trên là bài học kinh nghiệm cho mọi người, nhất là tuổi trẻ chúng ta.