Thanh Minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết của một năm. Đây là dịp tiết trời trong sáng mát mẻ nhất của năm, vì ngày tiết Thanh Minh cách ngày tiết Lập xuân 60 ngày. Nhân dịp tiết Thanh Minh, người ta bày tết Thanh Minh.

Trong dịp tết Thanh Minh, ngoài lễ vật cúng gia tiên và đất trời, theo truyền thống của Trung Hoa và Việt Nam, dân chúng tổ chức lễ Tảo Mộ và hội Đạp Thanh.

Lễ Tảo mộ. Trong năm, để chuẩn bị tết Nguyên Đán nhiều gia đình, dòng họ đã đi đắp'mộ - tảo mộ cho người quá cố, khẩn mời họ về ăn tết với con cháu. Song thường là hạn hẹp, chỉ đắp những ngôi mộ chính, như mộ tổ, mộ ông bà cha mẹ. Còn lại mộ của tất cả các thế hệ, từ người có hậu duệ và không có người nối dõi, các mộ vô chủ... trong làng xóm, cùng khu nghĩa địa, thường được tảo mộ vào ngày giỗ họ (tháng Giêng - Tháng Hai) hoặc vào dịp Thanh Minh.

Lễ Tảo mộ diễn ra trong vài ba ngày đúng tiết Thanh Minh ở các nghĩa trang đông người đi tảo mộ. Có mộ thì dẫy sạch cỏ, có mộ thì đắp cao thêm. Sau khi đắp mộ, tảo mộ, họ thắp hương lên mộ cầu cho linh hồn thanh thản nơi cõi âm. Có nhiều nơi người ta lập am chúng sinh hay xây bệ lộ thiên gọi là Hàn Lâm sở để thờ phụng cho kẻ vô chủ. Những vùng thấp ở đồng chiêm trũng người ta tảo mộ vào dịp hanh khô.

Hội Đạp thanh. Hội Đạp thanh tổ chức vào tết Thanh Minh, có nguồn gốc từ Trung Hoa. Đạp thanh có nghĩa là dẫm đạp lên cỏ xanh, tức là việc mọi người đi tảo mộ trên các nghĩa địa, bãi tha ma cỏ mọc xanh rờn.

Ngoài việc tảo mộ, khách trẩy hội còn được dịp vui chơi xuân, áo quần xe ngựa muôn hồng ngàn tía, được làm quen kết nghĩa với nhau kết thành bằng hữu nhân duyên.