Đi trẩy hội xuân ở núi Bà, tỉnh Tây Ninh năm nay giới trẻ có thêm một “món” mới khá thú vị: thám hiểm hang Rồng.

Miệng hang nằm ở cao độ khoảng 100m so với mặt nước biển, hang nằm uốn lượn lắt léo như chú rồng xuống tận chân núi. Muốn khám phá hang Rồng, bạn phải đổ một ít... mồ hôi để men theo các bậc thang đến lưng chừng núi. Cảm giác hấp dẫn sẽ có ngay ở miệng hang khi được dẫm lên những dấu chân rồng (là các tảng đá bị lõm vào một cách tự nhiên tựa như dấu chân rồng bấu vào). Ánh sáng trong hang chập chờn tranh tối tranh sáng với lối đi bé xíu gập ghềnh do đá granit chồng chất tạo nên. Càng đi xuống hang, cảm giác thích thú càng tăng lên khi bất ngờ đối diện với những “chiếc buồng” lớn, bé đủ cỡ. Có đoạn hang bỗng dưng rộng thênh thang và sáng trưng.

Du khách yêu thiên nhiên sẽ rất khoái không gian này khi được leo lên cây xanh có bộ rễ to tướng như những chiếc vòi bạch tuộc xòe ra bao trùm lên các tảng đá. Trong suốt hành trình khám phá, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều rễ cây to cỡ cổ tay với đủ hình dáng buông thòng uốn lượn. Có đoạn du khách phải bám rễ cây để vượt qua. Nhiều bạn trẻ gọi đùa đây là những chiếc râu rồng mà phải lên tận núi mới được vuốt! Để tăng thêm phần hấp dẫn, Công ty Du lịch Tây Ninh còn đầu tư làm một số mô hình các sự tích đặt trong các ngóc ngách của hang như Thạch Sanh chém chằn, đại bàng cắp công chúa...

Nơi nhiều người biết nhất lại là nơi ít được để ý nhất – hang Rồng nằm trong trường hợp này. Nằm ngay bên cạnh lối đi chính lên xuống núi, vậy mà đến cuối năm 2003 hang mới được phát hiện. Ông Nguyễn Thái Bình - giám đốc Công ty Du lịch Tây Ninh - tiết lộ: “Hang được phát hiện hết sức tình cờ. Trong quá trình tìm vị trí để đặt chiếc đầu rồng chiếu tia laser, các nhân viên phát hoang đã bất ngờ tìm được miệng hang bị cây sanh che phủ. Hang gồm ba tầng, kéo dài đến tận chân núi. Hiện chỉ mới đưa tầng một vào phục vụ du khách”. Suốt một tháng ròng các nhân viên của khu di tích núi Bà đã thành lập một đội thám hiểm dùng dây và đèn pin lần mò xuống hang. Những lối đi ban đầu rất hẹp, nhiều chỗ chỉ vừa một người trườn qua. Sau đó, qua bàn tay của những người thợ chẻ đá chuyên nghiệp, các lối đi được nới rộng ra, số “râu rồng” cũng bị xén mất khoảng phân nửa.