Có lần, một người bạn hỏi tôi: “Thời trang của mình sau áo dài thì có cái gì nữa nhỉ? Chỉ e mình hết đường sáng tạo”. Tôi cũng chợt giật mình. Ừ, bao nhiêu bộ sưu tập lớn, bao nhiêu giải thưởng quốc tế cũng đều trên nền tảng của áo dài, quả thật tự hào, nhưng cũng... lo lo. Tự hào là vì Việt Nam mình có một thứ thời trang độc đáo, dường như mỗi lần ra quân là thắng trận! Nhưng lo là vì nó cũng đơn độc quá, khai thác mãi có khi cạn kiệt, bế tắc chăng? Áo dài đang ở đỉnh cao nhất của thời trang Việt Nam, nhưng liệu các nhà tạo mẫu có giữ được vinh quang cho nó lâu dài?
Liên Hương mỉm cười đưa cho tôi một xấp ảnh. Bộ sưu tập Huyền sử Thăng Long của chị gây tiếng vang vào giữa năm và đến nay vẫn đang là “mốt”. Hầu như vị phu nhân nào của các quan chức, cán bộ cũng đặt may ít nhất một áo. Còn các cô gái trẻ thì trang trọng và lịch lãm hẳn lên với hình ảnh con rồng uốn lượn trên thân, trên tà. Một mẫu thời trang không chỉ làm đẹp mà còn giúp người mặc toát lên được sự hiểu biết, lòng yêu mến đối với đất nước, dân tộc. Liên Hương đã thiết kế hình ảnh con rồng qua 8 thời đại kể từ triều Lý cho đến bây giờ. Cả chục mẫu rồng của chị chợt đánh thức những trang lịch sử rực rỡ của tổ tiên, đánh thức lòng tự tôn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam. Liên Hương đã dự cảm đúng cái nếp nghĩ, nếp rung động của xã hội. Nói gì thì nói, người Việt Nam vẫn trân trọng lịch sử và văn hóa của mình. Cũng như chị, bất ngờ rung động, rồi một mình ôm sách đến năn nỉ “thọ giáo” một “thầy” ở Viện khoa học xã hội, học kỹ thuật về những biểu tượng rồng. Càng khám phá, càng tin và yêu nền văn hóa dân tộc. Chị nói: “Chúng ta có đến 4.000 năm văn hiến, biết bao sự kiện, đề tài cho mình sáng tạo. Chỉ cần chịu để ý một chút, rung động một chút”. Chợt nhớ những tháp Chàm Nha Trang đã theo chị vào tà áo dài, rồi phố cổ Hà Nội cũng đã phơ phất u buồn trên áo như một bức tranh...
Minh Hạnh cũng vậy, chị đã bay bổng cùng núi rừng Tây Bắc, đắm mình trong cái lạnh của Sa Pa để khám phá những kho báu tuyệt vời của đồng bào Dao, Thái, Mường, Mèo... Những tấm thổ cẩm mộc mạc nguyên sơ khi bay về chốn phồn hoa đô hội lại trở nên sang trọng lạ kỳ, quyến rũ lạ kỳ... Minh Hạnh chỉ say sưa với thổ cẩm thôi, mà chị đã có tới mấy trăm mẫu áo. Chuyến đi Nhật vừa rồi, chị lại tạo nên một ma lực từ thổ cẩm với thiết kế đầy vẻ huyền bí phương Đông. Cả trăm bộ mẫu đã được khách hàng Nhật Bản mua sạch. Chị nói: “Mình chưa khai thác hết vốn văn hóa của đồng bào phía Bắc, nói chi đến văn hóa của cả dân tộc”. Và chị lại khăn gói đi Sa Pa giữa cái lạnh mùa đông tràn về, với lòng tự tin sẽ khai quật được những ý tưởng sáng tạo mới... Nhà tạo mẫu trẻ Huyền Trang thì lấy cái nền màu bùn nâu, rêu cổ của đồng bằng Bắc bộ đem vào áo dài của mình. Một không gian u hoài, lặng lẽ như đời mẹ, đời cha ta cúi mặt xuống mảnh ruộng quê nhà, mà sao đẹp đến thánh thiện! Đào Lê Diệu Anh cũng cổ kính cùng đũi với tơ tằm, phảng phất một nề nếp gia phong dân tộc...
Các nhà thiết kế áo dài đã biết dùng lại nhặt những hạt giống trên con đường văn hóa dài suốt 4.000 năm... Nhưng ở đây, quá khứ còn kết hợp nhuần nhuyễn với hiện tại để chiếc áo dài mãi mãi xưa mà vẫn mới, truyền thống mà vẫn hợp thời, không hề lạc hậu.
Bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam quả là một không gian bao la vô cùng vô tận cho những tài năng sáng tạo. Chiếc áo dài chỉ mới đi vào một vài ngõ ngách của quá khứ mà đã tạo được tiếng vang đến thế, thì lòng tự tin của các nhà tạo mẫu hoàn toàn có cơ sở. Và ở đây cũng toát lên một điều là, các nhà tạo mẫu đã sáng tạo không chỉ trên kiến thức về văn hóa dân tộc mà còn trên cả tâm hồn của mình, một tâm hồn Việt Nam thấm đẫm nguồn sống vô thức từ bao đời truyền lại.