Thoáng chốc, thế mà nhà thơ Yến Lan vĩnh biệt cõi đời đã 5 năm ròng. Năm năm, thơ ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình nhân thế và vang vọng giữa lòng ta, khi dầm dìa như sương, khi nghi ngút như khói, lúc giao thoa giữa ngày và đêm, giữa tơ trời và mạch đất. Từ cõi thơ ấy hiện ra một dáng người hiền hậu, nhã nhặn và thanh khiết. Giữa dòng thời gian ồn ào và tất bật, những phẩm chất trên đôi lúc trở thành hiếm hoi khó nhận biết nhưng nó lại có sức níu kéo mãnh liệt những tâm hồn tri âm tri ngộ. Trong những đêm trăng, trên con sông quê Bình Định, con thuyền nhắc về ông, bầu rượu nhắc về ông, ngọn gió nhắc về ông, mặt sóng gợn vàng nhắc về ông. Đương nhiên, sự lặng lẽ trong trẻo nhắc về ông như chính ông là hiện thân của nó. Chừng ấy, đối với một đời thi sĩ, tưởng đã đủ đầy. Nhưng sức lan tỏa của hồn thơ Yến Lan không chỉ bấy nhiêu. Con người mà ngay từ độ tuổi đôi mươi đã nhận anh em với trời: “Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc - Em nằm thương xanh biếc của trời buồn”, muốn hoạch định cho tâm thức vùng đất cuộc liên lạc đầy thú vị với cả thiên hà nên phong thánh cho nơi sinh trưởng của mình là chốn nương mây và cậy nguyệt.

Bằng sự liên lạc ấy, Yến Lan đã nối kết nhưng đường nét vi tế của đời sống với cái mênh mang sâu thẳm của khôn cùng, dù là những đẽo gọt kỳ thú hay sự thoáng hiện ngẫu cảm đều luôn day dứt trĩu đằm. Yến Lan đĩnh đạc đi qua những khoảng cách, từ cách phù du bên ngọn gió khuya đến giọt nhựa khô nơi ngấn răng ai trên quả, từ buổi chiều cô em tỉnh lẻ nằm xem kiếm hiệp đến nuột tơ rối Xúy Vân, từ bóng giai nhân ngang qua đời một cánh hồng đến tiếng còi tàu lay động cả đời người phiêu bạt, từ trái thị vàng tuổi thơ đến kiếp bướm Nam Hoa Kinh, từ ngọn đèn đến trăng sao... Cái đắng đót của mỗi ngọt ngào và cái ngọt ngào của nỗi đắng đót luôn ẩn hiện sau hơi thở của ngôn ngữ thi ca dù người thợ tìm về với ký ức nhiều tro than và nước mắt hay nhiều hương thơm và ánh sáng.

Có ký họa chân dung nào thân tình về Yến Lan như nét ký họa của nhà thơ Lâm Huy Nhuận, con trai ông: “Sợi tóc hằn chớp bạc - Trên mái đầu đêm đêm - Cha của tôi ngồi đó – Nghìn câu thơ vây quanh – Sợi tóc xòa bóng nhạc - Xuống từng ô giấy hoa - Con thèm được ngơ ngác - Như cái nhìn của cha”. Tôi hết sức đồng tình với Lâm Huy Nhuận, cái nhìn ngơ ngác của Yến Lan là cái nhìn của “Đôi mắt mới lên mười”. “Mang trái tin ngàn tuổi”.

Có hề chi, dù bao nhiêu năm đi qua, kể từ cái ngày ta đưa tiễn Yến Lan về nơi yên nghỉ vĩnh hằng, dưới trời mưa, trong những dòng nước mắt. Cái nhìn ngơ ngác thi sĩ ấy dường như vẫn đang làm cân bằng những gánh thơ lam lũ cho các thế hệ sau, nơi quê nhà yêu dấu. Vâng, khi đủ trải nghiệm để hồn nhiên, ta sẽ bắt gặp ông, con người thơ vượt khỏi những cám dỗ chốn phù hoa, in bóng trong dòng sông lịch sử thi ca, lịch sử văn hóa Bình Định truân chuyển và đa cảm...