Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ. Tổ chức Y tế thế giới không ngừng khuyến cáo ích lợi của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời.

Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các thống kê gần đây của Viện Dinh dưỡng và UNICEF tại nước ta, chỉ có khoảng 30% bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu và hầu như không có ý thức nhiều về vai trò của sữa mẹ trong việc tăng khả năng phòng bệnh cho đứa con của mình.

Người ta ghi nhận rằng trong những năm đầu đời, trẻ rất cần nhiều năng lượng cho sự phát triển. Cân nặng của trẻ sau khi sinh khoảng 3 kg, nhưng trọng lượng này sẽ tăng gấp đôi khi trẻ được 5-6 tháng tuổi, gấp 4 khi trẻ được 1 năm tuổi và gấp 4 lần khi trẻ được 2 năm tuổi. Năm trẻ mới sinh chỉ bằng 1/3, nhưng sau 1 năm đã phát triển đến 2/3 so với người trưởng thành. Sữa mẹ rất giàu năng lượng mà không loại sữa nào có thể sánh được. Trong 100 ml sữa mẹ có khoảng 70 kcal, trong khi đó sữa bò chỉ có 67 kcal và sữa công thức là 60-65 kcal.

Sữa mẹ có nhiều vitamin và khoáng chất cùng nhiều chất dinh dưỡng như đạm, chất béo, chất bột đường, nước... rất quan trọng cho sự phát triển hệ thống miễn dịch, giúp trẻ đối phó với nhiều bệnh tật. Đặc biệt trong giai đoạn tiêm phòng vắc-xin, sữa mẹ hỗ trợ thêm, làm tăng khả năng phòng chống những bệnh lý thông thường ở trẻ. Trong giai đoạn từ 1-9 tháng tuổi, trẻ cần tiêm phòng để tăng sức đề kháng chống lại các bệnh lý thông thường. Vắc-xin chủng ngừa có vai trò kích thích sự phản ứng của hệ miễn dịch để tạo ra kháng thể, giúp trẻ đối phó với các bệnh lý. Trong khi đó, sữa mẹ có Nucleotide, một chất hiện diện tự nhiên (Nucleotide hiện diện dưới nhiều dạng khác nhau và để đánh giá, người ta gọi chúng dưới tên gọi Tổng toàn bộ Nucleotide, viết tắt là TPAN), giúp tối ưu hóa các phản ứng miễn dịch, tạo sự đề kháng tốt hơn, nói cách khác trẻ có khả năng ít bệnh hơn. TPAN giúp hỗ trợ sự phát triển hệ thống miễn dịch của trẻ, làm gia tăng lượng kháng thể IgA huyết thanh và giảm tần suất tiêu chảy, phát triển đáp ứng miễn dịch đối với vắc-xin chủng ngừa thông thường như bạch hầu, uốn ván, viêm màng não...

Khi trẻ đến 6 tháng tuổi, sữa mẹ không đủ lượng để đáp ứng cho sự phát triển thể chất của trẻ, do trong thời gian này trẻ bắt đầu vận động và phát triển nhanh, bắt buộc chúng ta phải cho trẻ ăn dặm, đồng thời bà mẹ bắt đầu đi làm, thời gian cho con bú ít đi, số lần cho con bú cũng ít đi. Lúc này lượng sữa me cung cấp cho trẻ cũng giảm dần nên cần bổ sung sữa cho trẻ. Tuy nhiên, các bà mẹ nên cho bé bú sữa mẹ hay sữa công thức kéo dài đến 1 năm tuổi. Sữa bò tiệt trùng không có đủ các vitamin A, C, D và chất sắt, nên chỉ dùng cho trẻ trong năm đầu khi ta đảm bảo trẻ ăn thật tốt, thật quân bình các chất.

Nói chung, sữa mẹ có nhiều chất dinh dưỡng tốt nhất, cần thiết nhất cho hệ miễn dịch và sự phát triển của trẻ. Chính nguồn sữa mẹ đã bảo vệ, che chở, chăm sóc cho trẻ khi chúng còn nhỏ bé, yếu đuối trước môi trường sống đầy rẫy nguy hiểm khi vừa rời lòng mẹ.