Còn gọi là phong dao. Thuật ngữ ca dao được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau.
Theo nguồn gốc thì ca là bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu. Ca dao là danh từ ghép chỉ chung toàn bộ những bài hát lưu hành phố biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu. Trong trường hợp này, ca dao đồng nghĩa với dân ca.
Do tác động của hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, ca dao đã dần dần chuyển nghĩa. Từ một thế kỷ nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đã dùng danh từ ca dao để chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi). Với nghĩa này, ca dao là thơ dân gian truyền thống.
Vd: câu ca dao:
Làm trai quyết chí tu nhân
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.
vốn được rút ra từ bài dân ca hát cách với những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi như sau:
Làm trai quyết chí (mà) tu (ý) thân. Công danh là danh chớ vội (chứ dã), nợ nần (mà nần) chớ lo (ỳ y y ý y)...
Từ sau cách mạng tháng Tám (1945) trên sách báo nước ta đã xuất hiện danh từ ca dao mới để phân biệt với ca dao cổ (hay ca dao cổ truyền).
Ca dao mới khác với ca dao cổ về khá nhiều phương diện (về thời gian, hoàn cảnh, lực lượng sáng tác, hệ thống đề tài, chủ đề, phương thức và phương tiện lưu truyền, phổ biến...). Ngoài phương thức sáng tác và lưu truyền bằng miệng của nhân dân, ca dao mới còn được sáng tác và phổ biến bằng văn tự của các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư. Những tập ca dao thành văn được xuất bản trong mấy chục năm qua (như ca dao kháng chiến, ca dao chống Mĩ, ca dao chống hạn...) thiên về tuyên truyền chính trị là một hiện tượng mới mà chưa từng có trong lịch sử ca dao trước cách mạng tháng Tám (1945).
Dựa vào chức năng kết hợp với hệ thống đề tài, có thể phân biệt ca dao cổ (hay ca dao cổ truyền) thành những loại ca dao khác nhau, như ca dao ru con, ca dao tình yêu, ca dao về tình cảm gia đình, ca dao than thân, ca dao trào phúng v.v...