Có thể nói là thứ hoa nhất hạng, nở ở những vùng nước thường tù đọng và bẩn đục, bông sen toàn mỹ một cách dâm đãng và tột bậc đến nỗi có thể dễ dàng hình dung in illo tempore, nó là sự sống xuất hiện đúng lần đầu tiên, trên khoảng mênh mông không rõ sắc màu của những vùng nước khởi nguyên. Trong tranh hình Ai Cập nó đã xuất hiện như vậy đó, trước tất cả, sau đó tạo hóa và vầng thái dương mới lóe ra từ trái tim rộng mở của nó. Như vậy hoa sen trước hết là bộ phận sinh dục, là âm hộ mẫu gốc, bảo đảm cho các cuộc sinh thành và tái sinh truyền lưu mãi mãi. Từ Địa Trung Hải cho đến Ấn Độ và Trung Hoa, tầm quan trọng về ý nghĩa biểu tượng của nó, về mặt trần tục cũng như về mặt linh thiêng đều bắt nguồn từ hình ảnh cơ bản này. Hoa sen xanh, được coi là linh thiêng nhất ở xứ sở các pharaông, tỏa một hương thơm của cuộc sống thần thánh: trên các sách những ngôi mộ dưới đất Thebes, ta thấy hình ảnh những cuộc tụ họp gia đình, ở đây cả những người sống và những người chết trịnh trọng hít thở bông hoa tím, cử chỉ trộn lẫn khoái lạc với thần diệu hồi sinh.

Tuy nhiên, trong các giá trị tinh thần Ấn Độ và Phật giáo, màu sắc trong trắng của hoa sen bừng nở trinh nguyên trên bùn nhơ của thế gian, được hiểu theo một ý nghĩa đạo đức. Như hoa sen thuần khiết, tuyệt diệu, không bị nước vấy bẩn, ta cũng chẳng hề ô uế bởi bụi trần.

Trong một nghĩa mở rộng dường như là lưỡng tính, và do đó có tính tổng thể, sách (Chu Toàn dịch) lấy lại ý niệm trong trắng và thêm vào đó ý niệm tiết độ và cứng rắn, dùng sen làm biểu hiện của người hiền. Tổng quát hơn thì, ý trong trắng đã ổn định, người ta thế vào đó: tính kiên định (thân cây cứng rắn), thịnh vượng (cây mọc sum suê), hậu duệ đông đúc (hạt nhiều), vợ chồng đề huề (hai hoa trên một thần), thời quá khứ, hiện tại và tương lai (ta gặp cùng một lúc ba trạng thái của cây: nụ, hoa nở, hạt).

Các sách lớn của Ấn Độ coi sen, sinh ra từ bóng tối và bừng nở ngoài ánh sáng, là biểu tượng của thăng hoa tinh thần. Nước là hình ảnh tình trạng bất phân nguyên sơ, sen biểu thị sự hiển hiện phát ra từ đó, nở ra trên bề mặt, như Quả trứng thế giới. Vả chăng nụ hoa chưa nở tương đương một cách chính xác với quả trứng ấy, trứng vỡ tương ứng với hoa nở: đây là sự thực hiện những khả năng chứa đựng trong mầm nụ ban đầu, thực hiện những khả năng của con người, bởi vì trái tim ta cũng là một đóa sen còn khép..

Vì hoa sen trong truyền thuyết có tám cánh giống như không gian có tám hướng, nên sen còn là biểu tượng của sự hài hòa vũ trụ. Nó được dùng theo nghĩa này trong hình vẽ của nhiều mandala và vantra. Tranh hình Hindu giáo thể hiện Vishnu ngủ trên mặt đại dương nhân quả.

Từ rốn của Vishnu nhô lên một đóa sen, tràng hoa nở chứa đựng Brahma, khởi nguyên của xu hướng mở (rajas). Cần nói thêm rằng nụ sen, nguồn gốc của biểu hiện, cũng là một biểu tượng Ai Cập. Là biểu hiện của Vishnu, trong tranh hình Khơme sen được thay thế bằng đất mà nó đại diện với tư cách là mặt thụ động của hiển hiện. Chính xác ra, thì tranh hình Ấn Độ phân biệt sen hồng (hay padma), loại sen, chúng ta vừa xem xét, là biểu trưng có tính thái dương và cũng là biểu tượng của thịnh vượng, với sen xanh (hay utpala), biểu trưng có tính thái âm và thuộc Civa.

Theo quan điểm Phật giáo, hoa sen - Thích Ca Mâu Ni ngự trên đồ – là bản thể Đức Phật, không bị môi trường bùn lầy của samsara tác động. Vật châu báu trong đóa sen (mani padme), là vũ trụ chứa đựng dharma (Pháp), là ảo ảnh hình thức, hay là Maya, mà từ đó nhô lên Niết bàn. Mặt khác, Phật ở giữa đóa sen (có tám cánh) ngồi trên trục của bánh xe (có tám nan hoa) mà padma là vật tương đương chức năng Chakravati của sen được biểu hiện như vậy, đúng như có thể diễn giải qua những tượng ở Bayon thuộc Angkor – Thom. Trong những hoàn cảnh khác, ở tâm điểm của đóa sen là núi Meru, trục thế giới. Trong hệ biểu tượng Mật tông, bảy huyệt của con người dọc trục xương sống, trục của sushumna, được hình dung là những đóa sen có 4, 6, 10, 12, 16, 20 và 1000 cánh. Đóa sen nghìn cánh có nghĩa là toàn bộ tỏ ngộ.

Trong một cách giải thích tầm thường hóa hơn, văn học Nhật thường coi là loài hoa này, trong trắng đến thế giữa vùng nước bẩn, là một hình ảnh đức hạnh, vẫn có thể thanh khiết và nguyên vẹn giữa xã hội đây những điều để tiện, mà chẳng cần phải lui về một nơi hoang vắng.

Cuối cùng, dường như ở Viễn Đông sen có một ý nghĩa luyện đan. Quả vậy nhiều tổ chức Trung Hoa đã lấy hoa sen (trắng) làm biểu hiện, như một cộng đồng thuộc đạo Amida được lập vào thế kỷ IV tại núi Lou và một hội kín quan trọng thuộc Đạo giáo, có thể đã dùng hệ biểu tượng Phật giáo làm vỏ che, nhưng bên trong có thể đã viện đến hệ biểu tượng luyện đan, vì đóa Kim hoa ở đây màu trắng.