Shan Sa là bút hiệu của Yan Ni, sinh tại Bắc Kinh năm 1972 trong một gia đình trí thức, nghệ sĩ và giàu có. Năm lên tám, cô đã có thơ in thành tuyển tập, 15 tuổi được giải thơ và năm 1990 cô sang Paris theo cha là giáo sư dạy ở đại học Sorbonne từ trước đó. Khi cha cô về nước, Shan Sa ở lại Pháp một mình. 17 tuổi, chưa biết tiếng Pháp, cô học Pháp văn cấp tốc ba tháng, tay cầm từ điển, tay cầm quyển Kẻ xa lạ của Albert Camus.
Tình cờ, trường tư Alsace có liên hệ đặc biệt với Trung Hoa đã cho cô cơ hội. Vị giáo sư dạy triết của trường cho rằng cô gái người Hoa nhút nhát và cô độc, làm việc rất nhiều và say mê Descartes là trường hợp đặc biệt cần được nâng đỡ. Shan Sa ghi danh học trung học để thi lại tú tài, sau đó gặp và kết bạn với con gái họa sĩ nổi tiếng Balthus. Cô thành thư ký bán thời gian của họa sĩ này từ 1994 - 1996. Tại nhà riêng của ông, cô đã tập viết đi viết lại 20 lần những bài triết bằng tiếng Pháp. Và nơi đây cô đã gặp những nhân vật tên tuổi như ngôi sao nhạc rock David Bowie, thi sĩ Claude Roy, nhà hàn lâm Pierre-Jean Rémy - người đã giới thiệu cô vào môi trường văn học. Với tác phẩm Cổng Thiên An (Porte de la Paix Céleste) do nhà xuất bản Rocher in năm 1997, dù sách chỉ bán được vài nghìn quyển, Shan Sa đã giành được giải Goncourt cho tiểu thuyết đầu tay. Bây giờ cô 25 tuổi.
Shan Sa bắt đầu nới rộng vòng giao thiệp, bắt tay với nhà xuất bản Grasset có uy tín hơn và hủy hợp đồng đã ký với Rocher. Cuốn sách thứ nhì của cô - Les quatre vies du saule (Bốn đời cây liễu) không có tiếng vang gì, nhưng cuốn thứ ba La joueuse de go (Cô gái đánh cờ gô) được giải Goncourt do học sinh trung học bỏ phiếu chọn năm 2001, bán được cả trăm ngàn bản, đưa Shan Sa lên đỉnh vinh quang, khiến mọi người quan tâm đến người con gái châu Á duyên dáng, với vẻ huyền bí phương Đông và nụ cười quyến rũ. Chả thế mà cô còn triệt để khai thác ưu điểm đó của mình: khi nhà Grasset đưa cô đi các tỉnh giới thiệu sách, buổi sáng cô lộng lẫy xuất hiện với áo lụa đỏ, buổi chiều trong chiếc áo dài bó sát người màu nghệ, tóc mượt mà chảy xuống vòng eo.
Đầu năm 2002, Shan Sa ký hợp đồng với nhà Grasset viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo, với bản quyền 228.674 euro. Nhưng tháng sau cô tuyến bố hủy hợp đồng và không nhận tiền ứng trước, vì bị cám dỗ bởi nhà xuất bản Albin Michel: tác quyền sẽ nhiều hơn, quảng cáo rộng rãi hơn, in ngày gần trăm ngàn bản... đó là chưa kể hứa hẹn đoạt giải thưởng văn học! Nhà Grasset kiện. Vụ kiện bùng nổ khi cuốn Impératrice (Nữ hoàng) của Shan Sa do Albin Michel xuất bản giữa những ngày hè dữ dội vừa qua. Đầu tháng chín, tòa án Paris xử Grasset thắng kiện, buộc Albin Michel không được tiếp tục bán Nữ hoàng (xếp hạng 9 trong các sách bán chạy nhất). Phiên tòa chưa dừng ở đó vì nhà Albin Michel kháng cáo, với lý do “phải tôn trọng quyền tự do chọn lựa của tác giả”.
Các nhà xuất bản đều công nhận Shan Sa có khiếu văn chương và rất chịu khó, còn cô thì tin mình có số làm nhà văn và muốn mọi người cũng phải tin như vậy, nhưng thật ra bản thảo những cuốn sách của cô đều phải biên tập, sửa chữa rất nhiều. Với vụ án này, báo chí gọi cô là “nữ hoàng mưu mẹo”, rằng cô đã lèo lái việc xuất bản sách của mình như trò chơi cờ gỗ nhiều tính toán, rằng cô chẳng khác nhân vật chính trong Nữ hoàng - từ một cô gái vô danh tiểu tốt đã nắm mệnh của nước Trung Hoa.
Chính vì thế nên dù nhà xuất bản Albin Michel đã vận động hành lang ráo riết để Shan Sa được nhận giải Goncourt năm 2003 cũng như chính Shan Sa đã tuyên bố với báo chí rằng cô sẽ kêu lên để mọi người đều nghe thấy, thì giải Goncourt cũng không đến tay cô mà được trao cho Jacques - Pierre Amette với quyển La maitresse de Brecht (Người tình của Brecht).