Tôi sinh ra ở một vùng quê yên ả. Những buổi chiều mùa hạ, khói hun muỗi bò phảng phất quyện vào không gian. Lúc đó tôi cầm tấm tole nhỏ, bằng cái mâm ăn cơm ra đồng gõ, đuổi chim ăn lúa. Những đêm mùa hạ, cơm nước xong, cả nhà xúm ra đạp lúa trước sân.
Mẹ chong cây đèn dầu ở giữa sân. Mỗi người cầm trên tay 2 cây đòn gánh hoặc cây củi khô để chống, đôi chân cuộn tròn bó lúa về phía sau. Nếu như không có cây chống giữ thì dễ ngã sấp. Tôi mới đạp vài bó lúa đã thấy nóng ran dưới bàn chân. Tôi ngồi xuống tay nắm bàn chân đưa lên trước mặt, thổi. Rát quá! Thấy tôi nhăn mặt, bà tôi cười: “Mồ tổ mày, con nhà quê đạp lúa mà la rát chân. Thôi, đem cây đèn vào trong nhà ngồi học bài đi, cố gắng học giỏi sau này lớn lên đi làm việc nhà nước, như ông Phương nhà bên cạnh cho tao với mẹ mày nở mặt, nở mày với thiên hạ!”. Tôi cầm cây đèn dầu vào đặt lên bàn, mở toang cánh cửa sổ cho ánh đèn hắt sáng ra bên ngoài bà, mẹ và chị Hai tôi vẫn còn đạp lúa. Khuya bà đem chuyện đời xưa ra kể cho chị hai bớt buồn ngủ. Bà kể đủ thứ chuyện trên đời, ngày bà gặp ông ngoại, ngày bà đi chăn bò thả bò ăn lúa bị người bắt bồi thường. Mẹ tôi ngồi tuốt mấy gié lúa còn sót lại rồi vun rơm bộn bề từ ngoài sân ra đến đầu ngõ. Tôi nhớ lắm cái không gian thoáng đãng đó và tiếng cười trong vắt của chị Hai. Thi thoảng tôi nghe tiếng kêu “cút kít, cò ke”. Người dân quê tôi lấy lon sữa dùi thủng 2 đầu bằng sợi dây thép gai, nối sợi dây cho lon sữa đứng yên, đầu dưới buộc vào miếng gỗ nhỏ, mỏng, đem treo vào ngọn cây trong gò. Khi có gió, miếng gỗ đong đưa, dây thép gai cọ xát vào lon sữa phát ra âm thanh dọa thú rừng. Tiếng kêu đó mang đến cho tôi cảm giác thanh bình và đầy thú vị.
Gần mười lăm năm trôi qua nhưng hình ảnh bà, mẹ và chị Hai đạp lúa trước sân vào những đêm hè oi ả vẫn nguyên vẹn trong tôi như thuở nào. Đó là một hình ảnh rất đỗi bình thường nhưng chỉ ở vùng quê mới có được.