Có một câu thơ đầy gợi cảm về con đường làng Việt Nam:
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo...
Cụ Nguyễn Khuyến đã nói đúng cái thần, cái hồn trăm năm, nghìn năm không cần bình luận gì thêm cũng đã thấy đầy đủ gương mặt một con đường làng mà ta từng một lần đặt chân, trở về quê mẹ hay hỏi thăm đến nhà người bạn...
Nếu mùa xuân này ta trở lại đường xưa, thì đường ơi, có nhận ra nhau, ta có một bộ quần áo mới hơn hay đường mang trên mình nhiều màu xanh chiều rộng?
Thông thường đường làng mở đầu (hay kết thúc) từ chiếc cổng làng, nơi giáp với một vũ trụ bao la là cánh đồng dẫn về những nẻo nào, có người sống cả đời trong làng, không hề đặt chân đến đó một lần, dù ở đấy có xa lộ cao tốc, có đường nhựa phẳng lì, có đá răm trải thảm...
Đường làng đi giữa xanh tre, bên hàng rào ô rô lá như gai nhọn, chỉ có con trâu con bò chiều về, đi qua, mới ngoái cổ lại, tới một cái, khinh thường gai nhọn rồi vừa thủng thắng đi vừa nhai như ngẫm nghĩ suy tưởng điều gì về cuộc đời nhưng không cho ta biết.
Lá tre buông mình lờ lững ngày này sang tháng khác, giạt vào hai vệ đường có cây nấm dại, cây hoa mò, sợi rau má, lá củ gấu... đường làng im lặng không than thở, cứ thế trườn đi theo các xóm trong thôn, rẽ vào nhà ai đó, ngoặt phía này, rẽ sang kia, có chỗ thước thợ, có chỗ chữ chi, có nửa đường vòng...
Đón con đường, có chiếc cổng xây bề thế, quét vôi vàng, vôi trắng mỗi khi xuân rập rình trở lại. Cũng có chỗ chỉ là chiếc cổng gỗ, nhưng có mái tranh, y như một ngôi nhà nhỏ, then cửa là chiếc tay thước đã mòn qua bao mùa cấy hái. Đơn sơ hơn, là chiếc cổng nhỏ, phía trên là một cây tre nằm ngang, đan ngang ghép dọc, nếu đóng lại vẫn còn chỗ cho con gà trống vượt qua, con chó chui lọt để đi tìm bạn... Đôi khi, còn đơn giản hơn nữa, cái cổng chỉ là mấy cành rào giương lên, chống bằng một thanh tre chết róc, hạ xuống thì vẫn có thể nhìn thấy trong nhà, người đứng ngoài đường gọi, người trong thưa, như không có cách ngăn.
Ta thả bàn chân trần trên đường làng, nghe mát lạnh gan chân, hơi đất quê mịn màng hay hồn làng xóm thẩm thấu tận đáy hồn ta, con đường làng bình dị thân thương ít được qui hoạch theo một đường thẳng đông tây, hay xuyên chiều nam bắc. Nó là con đường xương cá, cứ như tự nhiên mà sinh ra, tự nhiên mà nên diện mạo, nhưng không, tuy đường không do người kiến trúc sư tạo tác, nhưng nó được sinh thành bởi muôn vạn bàn chân, những bàn chân nẻ miếng, những ngón chân tóe ra vì gian lao, những gót rỗ nhọc nhằn, năm này sang năm khác, mùa nọ tiếp mùa kia, có vườn cải hoa vàng chứng kiến cuối đông, có hương hoa bưởi mông lung mùa xuân ngòn ngọt, có tiếng gà xáo xác những trưa im, có cành xanh lòa xòa xuống trêu người, mà còn đôi chỗ ta gặp hàng duối xén bằng bặn, những bằng bạn bằng bàn tay người thợ xén cây nghiệp dư, và nếu người thợ ấy quên đi thì lộc nõn, cành non lại đâm chồi như mái tóc trẻ thơ ít gặp ông thợ cạo...
Con đường làng nối những tâm hồn lại với nhau, nếu làng ngoài bãi, ven đê, phù sa bồi đắp, như bãi giữa sông Hồng, như làng Thuận Vi Thái Bình... thì lúc nào nó cũng mang màu nâu non của phù sa trẻ, sau mùa lụt ngập, đường lại hồi sinh, bàn chân người thành chiếc bàn là, thành bánh xe lu cho êm phẳng.
Làng châu thổ, lũy tre trăm năm ấm bụi, măng mùa xuân gọi bầu trời trong sáng, những làng như thế từng có Hương ước: Đám cưới nào cũng phải nộp CHEO cho làng bằng mấy trăm viên gạch nung già. Gạch nằm nghiêng bên nhau, viên nọ khít viên kia, có đoạn còn tạo ra bao nhiêu hình, đường chéo như mặt sàn đan khéo. Con đường gạch sinh ra từ đấy, nó bắt đầu từ cổng làng, rẽ ra đình, ngoặt sang chùa, vào từng ngõ chính, gặp cổng nhà ai mới thêm vài viên đá xanh, là mảng vỡ của chiếc cối đá thủng nào kia... Những con đường gạch bền bỉ nắng mưa, không vỡ, không lún, không xô, mà dẫu có thì gạch chéo, dự trữ vẫn còn...
Ngày mùa, chỗ đường gạch quang quẻ, nó được dùng làm nơi phơi rơm rạ, bước chân người em như đi trên nhung. Mùa thu mưa bay nỗi Ngâu thương nhớ, con đường mang vẻ quạnh hiu như lòng người nơi cách trở, nhưng xuân về, nó lại được vang lên tiếng guốc ký cốp vui tai. Lạ một điều, không bao giờ có đôi guốc vàng hai âm thanh giống nhau, thế nào cũng phải một trầm một cao, một trong một đục, như song ca, như hòa tấu, như nâng đỡ nhau lên, và đường làng rộn rã, tưởng hồi sinh.
Khe gạch có thể vương sợi rơm sót lại, đã nảy mầm thành cây mạ cớm, bước con trâu giẫm bẹp, nó lại đứng lên, nó chẳng sợ gì xe cộ hay tại nạn giao thông, mà chỉ có gánh gồng, chân đất, bước trâu, may ra mới in dăm ba vết hằn lốp xe thồ mạ thổ phân, thồ thóc.
Những con đường làng lát gạch ấy hiếm dần, nộp cheo cũng đã thưa đi, hiện đại, con đường mang gương mặt xi măng trắng lốp, khô cứng nhưng sạch sẽ, mất một phần thơ mộng nhưng thuận tiện, phong quang, âu đó cũng là nét mới bổ sung vào câu thơ Nguyễn Khuyến.
Những làng quê xưa nay, ít khi được quy hoạch từ đầu, nên cũng ít những con đường thẳng tắp. Con đường phải lượn theo cái hàng rào, khu vườn, khuôn ao, nếp nhà mới, nhưng nó vui lòng làm sợi chỉ, dẫn vào từng gia đình ấm cúng, vì thế mà nó là “Ngõ trúc quanh co” chăng? Con đường quanh co, nhưng lòng người lại thẳng, đó là điều ta phải nhuộm sương trên tóc mới hiểu ra, đường ạ. Nó sinh ra không phải bằng cái thước và cây bút chì, nói như Lỗ Tấn: “Trái đất vốn không có đường nhưng chân người đi mãi mà thành đường...”. Hai ông thông gia đầu xóm cuối xóm tìm nhau, bà chị đầu thôn gặp bà em cuối thôn, anh trai làng hẹn nàng thôn nữ nơi bờ giếng, cạnh gốc duối già, đội nhi đồng tập hợp cạnh đình để tùng dinh nhịp trống ếch cổ động, bác kế toán đi họp Hội sản xuất, anh tuyên truyền gọi loa... con đường mở lòng đón nhận... Cả những đêm xuân, đâu đó vang nhịp trống hội làng, tiếng rúc rích, tiếng đấm vai thùm thụp, tiếng thì thầm, tiếng chí chóe trêu nhau, trai hòa gái, gái bên trái... đường làng nằm mơ trong thanh bình, một chút tấp nập rồi lại lặng lẽ trong khuya...
Nay nông thôn đổi mới, đường làng cũng thoát xác nhiều nơi. Quy hoạch từ đầu, con đường thẳng tắp, ô tô con trên huyện trên tỉnh về vào tận xóm, đỗ bên ngõ, ngay cái cổng gỗ, tường đá ong, gạch pa panh, thêm mấy cành tre vẫy lá.
Có lẽ chỉ có ngoài “Trại”, chỗ tách hộ ở riêng, làm nhà mới, mái nhà còn tươi, vườn còn thông thống, con đường làng còn mang nét sơ khai, có khi chỉ là bờ ruộng đắp thêm, bên bụi niễng, ao bèo, bè muống... .
Những chiếc cổng làng nằm rải rác hai bên đường, vẫn tuân theo nếp nghĩ ngàn xưa, không ăn thẳng vào nhà, mà lệch đi chút ít. Xứ Huế, còn tạo ra chiếc bình phong xây gạch cuốn thư, hoặc chỉ bằng cây xanh uốn nếp, để từ ngoài đường đi vào, khách cũng phải đi vòng chút ít mới tới bậc thềm. Điều đó giống như mọi căn nhà bao giờ cũng tránh đầu đạo đình hoặc chùa hướng thẳng vào gian giữa nhà mình, một điều kiêng cữ bảo lưu?
Có lẽ sẽ đến một ngày đường làng cũng chia ô bàn cờ khi nông thôn được đô thị hóa chăng? Còn lâu lắm, ta chờ, bây giờ, có dịp, ta trở lại con đường làng thuở ấu thơ theo mẹ ra đồng mót lúa, cầm đồng xu ra chiếc quán đầu làng dưới gốc đa mua viên kẹo bột kẹo bi, con đường làng đón ta hồ hởi, hay lòng ta khấp khởi vui reo... Khi ngó qua rào, vườn cải nhà ai bừng một vầng nắng vàng tươi hoa nở... Đường làng ơi, con đường tình yêu, con đường thương mến, điều không thể thiếu được trong mỗi hồn làng...